Lắp bình chữa cháy trên xe cơ giới
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
Điều 18 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) có các quy định về Phòng cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới và được hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên phải đáp ứng các điều kiện như:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện.
- Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới phải được học tập kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình đào tạo cấp giấy phép điều khiển phương tiện.
- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của bộ Công an…
Khi Nghị định 136 có hiệu lực, Khoản 1 Điều 8 của Nghị định đã loại bỏ nhiều nội dung kể trên:
“1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.”
Cũng tại Điều khoản trên, đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện như:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của bộ Công an.
- Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của bộ Công an.
- Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Nghị định còn ban hành kèm theo một số phụ lục:
- Phụ lục I: Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
- Phụ lục II: Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
- Phụ lục III: Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý.
- Phụ lục IV: Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
- Phụ lục V: Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
- Phụ lục VI: Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
- Phụ lục VII: Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc diện kiểm định.
- Phụ lục VIII: Quy cách cờ hiệu, biển báo và băng sử dụng trong chữa cháy.
- Phụ lục IX: Biểu mẫu sử dụng trong công tác phòng cháy và chữa cháy
Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021 và thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 01/12/2020 04:03:24 CH