Gần 2 tháng sau đợt tăng vọt 2.100 đồng/lít xăng dầu, thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối lại đề xuất lên Bộ Tài chính xin được tăng giá bán lẻ trong nước.
Trao đổi với PV báo điện tửInfonet, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) khẳng định, 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối vừa gửi văn bản tới cơ quan này đề xuất xin tăng giá bán lẻ. 4 DN kinh doanh đầu mối gửi đề xuất xin tăng giá bán lẻ trong nước lần này, gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương Mại Dầu khí Đồng Tháp.
Nguyên nhân mà các DN này đưa ra cho đề xuất của mình là hiện giá xăng dầu thế giới biến động, DN đang phải bù lỗ từ 300 – 600 đồng/lít xăng, dầu.
Kêu lỗ, DN kinh doanh xăng dầu lại muốn tăng giá bán
“Trần tình” về đề xuất xin tăng giá lần này, ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng Giám đốc Petrolimex, người phát ngôn của tập đoàn này cho biết, ngày 11/4/2012, Petrolimex có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ước thực hiện trong Quý I/2012.
Đồng thời căn cứ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ngày 10/4/2012 (được tính trên cơ sở bình quân 30 ngày giá Platt,s từ ngày 12/3/2012 đến ngày 10/4/2012; các khoản chi phí định mức 600 đồng/lít đối với xăng, diesel, dầu hỏa và 400 đồng/kg đối với mazut; mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít, kg; và các khoản nộp ngân sách theo quy định hiện hành và không có lãi định mức) đều cao hơn giá bán hiện hành.
“Vì thế, Petrolimex đề nghị Liên Bộ sớm xem xét quyết định hoặc cho phép DN điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu theo Quy định của Nghị định số84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ, nhằm từng bước đưa giá bán trong nước bám sát sự biến động của giá thị trường”- ông Năm khẳng định.
Không tiết lộ cụ thể con số đề xuất tăng giá lần này, nhưng lãnh đạo Petrolimex cho hay, mức tăng giá tối thiểu không thấp hơn mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.
Theo bản tin xăng dầu đăng tải trên website Petrolimex, bảng giá sản phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore trung bình nửa đầu tháng 4/2012 cho thấy, giá xăng RON 92 là 133,83 USD/thùng; giá dầu hỏa là 134,41 USD/thùng; DO 0,05S 136,26 USD/thùng; FO 180 cst 738,06 USD/tấn.
Hiện giá bản lẻ mặt hàng xăng RON 92 tại thị trường trong nước đang thấp hơn giá bán lẻ mặt hàng cùng loại tại Lào là 4.668 đồng/lít; thấp hơn Campuchia 4.560 đồng/lít; thấp hơn Singapore 13.338 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.602 đồng/lít.
Tuy vậy, lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) khẳng định, dù DN có đề xuất là đề xuất như thế nhưng cơ quan quản lý sẽ phải rà soát lại một cách thận trọng mới quyết định có tăng giá bán hay điều chỉnh thế nào cho phù hợp thị trường và đời sống người dân.
“Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, mọi biến động về giá sẽ ảnh hưởng ngay tới tâm lý và đời sống, vì thế chúng tôi sẽ thận trọng tính toán và quyết định. Quan điểm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo, điều hành sát với quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về cơ chế kinh doanh xăng dầu theo thị trường” – ông Tuấn nói.
Trước đó, ngày 7/3 giá bán lẻ xăng dầu đã chứng kiến đợt tăng giá mạnh nhất từ trước tới nay, tới 2.100 đồng/lít (tăng tới 10%). Các mặt hàng dầu tăng từ 600 – 2.000 đồng/lít, kg. Với mức tăng khá mạnh này, theo tính toán của Bộ Tài chính, đã tác động tới tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả 2 vòng là 0,85%.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở mức 22.900 đồng/lít và mức thuế nhập khẩu mặt hàng này đã được Bộ Tài chính cho lùi về 0%, đồng thời giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) các chủng loại xăng dầu xuống bằng mức trích Quỹ Bình ổn giá (300 đồng/lít, kg).