>>> Kiến nghị về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi có thiệt hại xảy ra. Cho đến hiện nay, đã xảy ra không ít vụ việc thiệt hại thương tâm do nhà cửa hay công trình xây dựng khác gây ra. Vậy, theo quy định hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) trong trường hợp trên được xác định như thế nào?
Tại Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
|
Chiếu theo quy định này, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH
Theo Điều 605, có tới 05 chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH là: (1) chủ sở hữu, (2) người chiếm hữu, (3, 4) người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng và (5) người thi công.
Sở dĩ chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường là bởi họ là người được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng nên khi nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì họ đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn trong trường hợp người thi công có lỗi để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại, để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại và cũng là biện pháp đền bù lỗi sai thỏa đáng thì họ phải có trách nhiệm liên đới BTTH. Tuy nhiên, mình băn khoăn, nếu giả sử trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công mà chủ sở hữu và các chủ thể khác không hề có lỗi và bản thân họ cũng là người bị thiệt hại nhưng họ lại phải liên đới chịu trách nhiệm BTTH cùng người thi công thì liệu có công bằng và thỏa đáng???
Thứ hai: Về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH
Chia thành 02 trường hợp:
- TH1: Để làm phát sinh trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng nguyên đơn cần chứng minh 03 điều kiện:
(1) Có thiệt hại,
(2) Có sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng,
(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng mà không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng.
- TH2: Để buộc người thi công phải chịu trách nhiệm BTTH thì nguyên đơn lại phải chứng minh 04 điều kiện:
(1) Có thiệt hại,
(2) Có hành vi trái pháp luật của người thi công,
(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật của người thi công
(4) Quan trọng nhất là phải chứng minh được lỗi của người thi công. có nghĩa, nếu người thi công có lỗi họ phải liên đới cùng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng BTTH.
Nếu xem xét kỹ TH2 này, chúng ta nhận thấy có sự mâu thuẫn về bản chất với tiêu đề của Điều luật 605, bởi đây là điều luật đề cập đến BTTH do tài sản gây ra, trong khi đó, với quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH của người thi công lại thể hiện đây là trường hợp BTTH do hành vi trái pháp luật gây ra (vì có yếu tố lỗi chứ không chỉ do tự thân tài sản gây ra thiệt hại).