Chào bạn! Rất vui vì bạn đã đặt câu hỏi cho công ty Luật Việt Kim chúng tôi
Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin có một vài trao đổi, góp ý như sau:
Bạn đang muốn xác định tội danh của những người trong tình huống mà bạn đưa ra bao gồm A, B, T và V
1. Anh T
Anh T có hành vi lấy trộm chiếc laptop của chị K và trị giá của chiếc laptop là tám triệu đồng. T phạm tội trộm cắp tài sản và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 Bộ Luật hình sự 1999:
“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
[…]”
2. Anh A, B và V
- Cả A và B đều phạm cùng một tội đó là tiêu thụ (mua) tài sản do người khác phạm tội mà có. Hành vi của A và B là chủ động tìm hàng bị đánh cắp để mua sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí. Cả A và B đều không hứa hẹn trước sẽ mua hàng của T mà chỉ đột nhiên muốn mua. Tuy nhiên, thời điểm phạm tội là năm 2014, lúc đó A mới có 15 tuổi, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng căn cứ theo Điều 12 BLHS 1999:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là những tội có khung hình phạt cao nhất lên đến mười lăm năm tù, căn cứ theo Điều 8 Khái niệm tội phạm của BLHS 1999.
“Điều 8: Khái niệm tội phạm
[…]
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Trong khi đó, A và B phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, căn cứ theo Điều 250 BLHS 1999 và khung hình phạt cao nhất đối với tội này là mười lăm năm tù.
“Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp ;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;
d) Thu lợi bất chính lớn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;
b) Thu lợi bất chính rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”
Do khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, nên tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được coi là tội phạm rất nghiêm trọng căn cứ theo Điều 8 BLHS 1999 bên trên
Vì vậy, cả A và B đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 250 BLHS 1999 bên trên.
Anh V cũng phạm phải tội trên bởi hành vi của anh V là tân trang lại nhằm che giấu chủ sở hữu phát hiện ra mặc dù biết là hàng trộm cắp. Đây chính là hành vi giúp cho việc thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản của anh A và anh B.
Cụm từ “tiêu thụ” ở Điều 250 BLHS 1999 được hiểu là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2011 về việc hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền.
“Điều 2. Về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 Bộ luật hình sự)
1. Chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó.
2. Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
[…]”
Trên đây là toàn bộ góp ý của chúng tôi, do thông tin bạn cung cấp còn hạn chế nên không thể tư vấn đầy đủ. Để được tư vấn kỹ lưỡng hơn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin ở phần chữ ký bên dưới. Trân trọng!
Bùi Đức Duy | CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 3.2899.888 - E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1- Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN
CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.