Xác định nội dung áp dụng của Án lệ số 31/2020/AL trong giao dịch mua bán, trao đổi?

Chủ đề   RSS   
  • #609417 14/03/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Xác định nội dung áp dụng của Án lệ số 31/2020/AL trong giao dịch mua bán, trao đổi?

    Trường hợp các bên chuyển giao các quyền tài sản thông qua các giao dịch dân sự khác như mua bán, trao đổi,… thì có áp dụng Án lệ số 31/2020/AL hay không?

    Tìm hiểu nội dung của Án lệ số 31/2020/AL về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước theo nghị định số 61/cp ngày 05-7-1994 của chính phủ là quyền tài sản (được ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-CA năm 2020 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Khái quát nội dung án lệ:

    - Tình huống án lệ: Cá nhân thuộc diện được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở mà khi còn sống, người đó chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà theo quy định của pháp luật.

    - Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước là quyền tài sản và được chuyển giao cho các thừa kếcủa người đó.

    Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

    - Các điều 172, 188, 634 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng với các điều 163, 181, 631 Bộ luật Dân sự năm 2005; các điều 105, 115, 609 Bộ luật Dân sự năm 2015);

    Nghị định số 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

    Nhận định Tòa án có liên quan đến án lệ:

    [1] Nguồn gốc căn nhà số 63 (tầng 2) đường V, phường X, quận I (nay là đường B, phường H, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh) là do Bộ tư lệnh Quân khu 7 tiếp quản, sử dụng từ sau ngày giải phóng Miền Nam. Năm 1981, Quân khu 7 cấp “Giấy phép quyền sở hữu sử dụng” số 092/QĐ ngày 16-4-1981 cho cụ Nguyễn Thanh T. Theo nội dung giấy phép, việc cấp nhà cho cụ T là “đểtạo mọi điều kiện chỗ ăn, ở cho gia đình cán bộ, ổn định lâu dài và cấp do hoàn cảnh gia đình cán bộ không có nhà ở”, tại thời điểm cấp bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn T1 (con cụ T) sống chung với cụ T, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên. Đến năm 1982, hai chị em bà Nguyễn Thị Kim L và ông Nguyễn Thanh H1 mới chuyển hộ khẩu về sống cùng cụ T. Như vậy, cụ T là người có công với cách mạng, nên được Quân khu 7 xét cấp nhà số 63 đường B nêu trên theo tiêu chuẩn của sĩ quan quân đội. Đến thời điểm cụ T chết năm 1995, cụ chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà đối với nhà số 63 nêu trên. Theo quy định tại Điều 188 và Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 1995, quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T là quyền tài sản (trị giá được bằng tiền) và được chuyển giao cho các thừa kế của cụ T. Do đó, bà H và ông T1 được hưởng thừa kế quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T.

    [2] Năm 1998, khi bà L có đơn gửi Hội đồng nhà đất Quân khu 7 xin mua hóa giá căn nhà trên theo Nghị định số 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở thì bà H và ông T1 khiếu nại, không đồng ý cho bà L mua nhà trên theo chế độ của cụ T. Tại Biên bản giải quyết khiếu nại ngày 05-7-2001 của Thanh tra Bộ Quốc phòng, hai bên đã thỏa thuận thống nhất “…đồng ý để bà L đứng tên mua căn nhà 63 đường B. Việc phân chia sau khi đã trừ đi những khoản chi phí nghĩa vụ đối với Nhà nước, giá trị còn lại do chị em bàn bạc thỏa thuận, nếu không được thì giải quyết theo pháp luật” và tại Biên bản giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân Phường H ngày 17-8-2001, bà L cũng xác nhận “đồng ý làm cam kết theo Biên bản giải quyết của Quân khu ngày 05-7-2001…”. Đến ngày 02-10-2001, Cục A Quân khu 7 ký hợp đồng cho bà L thuê căn nhà trên. Sau đó, Hội đồng nhà đất Quân khu 7 làm thủtục bán căn nhà trên cho bà L theo Nghị định số 61/CP. Ngày 09-10-2002, bà L và chồng (ông Nguyễn Phi H3 đã chết năm 2006) được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nêu trên. Như vậy, việc bà L mua được căn nhà số 63 đường B nêu trên là do có sự thống nhất, thỏa thuận giữa bà H, ông T1 với bà L ngày 05-7-2001 thì Quân khu 7 mới giải quyết cho bà L được đứng tên mua hóa giá nhà. Do đó, có căn cứ xác định nhà số 63 đường B là tài sản chung của bà H, ông T1 và bà L.

    [3] Giấy ủy quyền ngày 09-6-1993 của cụ T có nội dung: “Tôi ủy quyền cho con tôi Nguyễn Thị Kim L thay mặt tôi khi còn sống và ủy quyền cho nó được trọn quyền giải quyết những việc có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với căn nhà được Quân khu 7 và Sở nhà đất thành phố cấp cho (bao gồm tầng lầu 1 và diện tích sàn phía dưới đất đã được phân chia giữa hai gia đình từ trước) khi không may tôi qua đời”. Đây là giấy ủy quyền cho bà L thay mặt cụ T khi còn sống, cũng như khi cụ T qua đời để giải quyết những việc có liên quan đến căn nhà (về thủ tục) chứ không phải ủy quyền cho bà L sở hữu toàn bộ căn nhà như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm.

    [4] Ngoài ra, theo bà L khai thì việc bà L nhập hộ khẩu vào nhà số 63 đường B là do cụ T yêu cầu bà trả nhà số 4/1 đường HV, phường Đ, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh do bà và gia đình được cấp theo chế độ liệt sỹ. Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện để được nhập hộ khẩu vào nhà số 63 đường B thì bà L phải trả nhà số 4/1 đường HV trên. Bà L trình bày bà mua căn nhà số 63 đường B theo chế độ liệt sỹ chứ không phải theo chế độ của cụ T. Theo Công văn số 8709/SXD-BKTBN ngày 08-12-2008 của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thì Hội đồng bán nhà ở Quân khu 7 khi lập thủ tục bán căn nhà trên không miễn giảm chính sách ưu đãi diện người có công với cách mạng cho cụ T, mà bán nhà dựa trên các tài liệu như đơn xin mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, sổ hộkhẩu của bà L, Quyết định 092/QĐ ngày 16-4-1981 về cấp nhà cho cụ T, Giấy xác nhận số 672/XN-QLĐT ngày 05-12-1998 về việc bà L đã trả nhà 4/1 đường HV… Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh làm rõ việc bà L được mua nhà theo chế độ ưu tiên nào? chế độ ưu tiên của cụ T hay chế độ con liệt sỹ của bà L là thiếu sót.

    [5] Mặt khác, theo Quyết định số 05/QĐ-UB-QLĐT ngày 04-01-1995 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì giá đất ở đường B là 4.000.000 đồng/m2 (328,21m2x 4.000.000 đồng/m2= 1.312.840.000 đồng), trong khi đó bà L mua nhà đất trên với giá đất là 392.296.000 đồng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ bà L mua nhà được giảm theo chế độ nào? Việc giảm trừ tiền mua nhà theo năm công tác và tỷ lệ % xét giảm cụ thể như thế nào

    [6] Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà số 63 đường B là tài sản chung của bà H, ông T1 và bà L là có căn cứ; tuy nhiên, khi xác định tỷ lệ phần giá trị để chia, lẽ ra phải trừ chi phí mua nhà và công sức của bà L, sau đó mới chia tài sản chung, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chia cho bà L được hưởng ½ giá trị căn nhà, sau đó trừ đi chi phí mua nhà trong phần giá trị ½ còn lại rồi mới chia đều cho bà H, ông T1 và bà L là không đúng.

    [7] Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng cụ T đã lập “Giấy ủy quyền” ngày 09-6-1993 ủy quyền cho bà L toàn bộ căn nhà số 63 đường B và việc bà L phải trả lại căn nhà số 4/1 đường HV, phường Đ, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh cho Nhà nước là do sự đánh đổi quyền lợi đang được hưởng để xác định căn nhà số 63 đường B là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn ThịKim L và ông Nguyễn Phi H3 (chồng bà L đã chết năm 2006) là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các con của cụ T.

    [8] Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần tiến hành thẩm định, định giá diện tích đất tranh chấp; tính toán sau khi trừ đi những chi phí bà L đã bỏ ra mua nhà và công sức của bà L, phần còn lại chia cho nguyên đơn và bị đơn, có tính đến giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho các bên theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng nhà, bà L và ông Nguyễn Thanh H1 đã đầu tư sửa chữa nhà, ông Nguyễn Thanh H1 có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết trả lại chi phí sửa chữa nhà cho ông khoảng 400.000.000 đồng, nên khi giải quyết lại Tòa án cấp sơ thẩm cần hướng dẫn cho ông Nguyễn Thanh H1 nộp tạm ứng án phí và giải quyết chung trong cùng vụán.

    Nội dung án lệ:

    “[1]… Như vậy, cụ T là người có công với cách mạng, nên được Quân khu 7 xét cấp nhà số 63 đường B nêu trên theo tiêu chuẩn của sĩ quan quân đội. Đến thời điểm cụ T chết năm 1995, cụ chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà đối với nhà số 63 nêu trên. Theo quy định tại Điều 188 và Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 1995, quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T là quyền tài sản (trị giá được bằng tiền) và được chuyển giao cho các thừa kế của cụ T. Do đó, bà H và ông T1 được hưởng thừa kế quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T.”

    Áp dụng án lệ:

    Án lệ số 31/2020/AL đưa ra nội dung xác định trường hợp cá nhân thuộc diện được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định 61-CP năm 1994 về việc mua bán và kinh doanh nhà ở mà khi còn sống, người đó chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Tòa án phải xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước là quyền tài sản và được chuyển giao cho các thừa kế của người đó.

    Với nội dung của Án lệ số 31/2020/AL, tình huống tương tự có thể được xem xét áp dụng là trong các tranh chấp liên quan đến nhà ở do cá nhân thuê của nhà nước, thuộc diện được hóa giá nhà theo Nghị định 61-CP năm 1994 về việc mua bán và kinh doanh nhà ở. Theo đó, quyền thuê nhà, quyền mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước được xác định là quyền tài sản (quyền trị giá được bằng tiền); khi người thuê nhà thuộc sở hữu của nhà nước chết thì các quyền này được chuyển giao cho các thừa kế của người đó thông qua quan hệ pháp luật về thừa kế.

    Trên phương diện học thuật, có ý kiến cho rằng khi khẳng định quyền thuê nhà, quyền mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước là quyền tài sản thì đồng thời phải thừa nhận các quyền này có thể được tự do chuyển giao trong giao lưu dân sự như mua bán, trao đổi,… mà không nên giới hạn phạm vi chuyển giao thông qua quan hệ pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 61-CP năm 1994 về việc mua bán và kinh doanh nhà ở thì chính sách về bán nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước hướng đến đối tượng được xác định cụ thể là người đang thuê nhà thuộc sở hữu của nhà nước, có mục đích để họ có điều kiện cải thiện chỗ ở. Tác giả đồng quan điểm với TS. Nguyễn Sơn – Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và TS. Trần Thị Quang Hồng – Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Thấy rằng nếu thừa nhận các quyền tài sản này thể được tự do chuyển giao trong các giao lưu dân sự như các tài sản thông thường khác thì sẽ không bảo đảm đúng mục đích của chính sách mà nhà nước đề ra. Do vậy, việc xác định giới hạn phạm vi chuyển giao các quyền tài sản này trong quan hệ pháp luật về thừa kế là cần thiết. Trường hợp các bên chuyển giao các quyền tài sản này thông qua các giao dịch dân sự khác như mua bán, trao đổi,… thì không áp dụng Án lệ số 31/2020/AL này.

     
    514 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận