Hỏi: Vợ chồng tôi có một con trai sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (tinh trùng xin của người khác). Năm nay cháu 06 tuổi. Vì mâu thuẫn vợ chồng không giải quyết được, chúng tôi đã ly hôn, con hiện sống với tôi. Nay, tôi yêu cầu chồng cũ của tôi cấp dưỡng, nhưng anh ấy không đồng ý, lý do vì cháu là con của người khác, nên không có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đề nghị Luật sư tư vấn, lý do mà chồng cũ của tôi nêu có đúng luật không (Nguyễn Thị Phương - Bắc Ninh)
Công ty Luật TNHH Everest trả lời
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, như sau:
“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở” (Điều 82).
- Xác định cha, mẹ:
"1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định" (Điều 88).
- Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: "1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này (khoản 1 Điều 93); "3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra" (khoản 3 Điều 93).
Như vậy, con của chị sinh ra trong thời kỳ hôn nhân bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (thụ tinh nhân tạo) được pháp luật công nhận là con chung của vợ chồng anh chị. Do đó, nếu chồng chị từ chối cấp dưỡng cho con là không có căn cứ.