Vụ Giám đốc Nhã Nam: Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì nên làm gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610733 19/04/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27502
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 569 lần


    Vụ Giám đốc Nhã Nam: Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì nên làm gì?

    Gần đây Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam bị cáo buộc quấy rối nữ nhân viên. Vậy như thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc? Mức xử phạt hành vi này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    Ông Nguyễn Nhật Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam hay Nhà sách Nhã Nam vừa qua bị cáo buộc có hành vi quấy rối nữ nhân viên trong công ty.

    Từ ngày 13/04, hàng loạt tin đồn xấu liên quan đến hành vi quấy rối tình dục của ông Nguyễn Nhật Anh đã gây xôn xao mạng xã hội. Đến rạng sáng ngày 18/04/2024, ông Nguyễn Nhật Anh đã đăng "Lời xin lỗi" trên Fanpage của công ty. Trong bài đăng của mình, ông khẳng định những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể, nên cho rằng không lường mức độ sự việc có thể gây tổn thương đến nhân viên.

    Mới đây nhất, trong thông báo chính thức được đăng tải trên Fanpage hơn 01 triệu lượt theo dõi, ban giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam gửi lời xin lỗi bạn đọc vì không làm rõ và nhanh chóng những thông tin tiêu cực lan truyền liên quan đến ông Nguyễn Nhật Anh. Theo đó, đơn vị này cũng đã ra quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của ông Nguyễn Nhật Anh tại công ty.

    (1) Như thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?

    Theo Khoản 9 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 có giải thích về quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

    “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”

    Bên cạnh đó, tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có giải thích quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới dạng như sau:

    - Trao đổi: đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc.

    - Những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi như đã nêu trên nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

    Theo đó, những hành vi được quy định là quấy rối tình dục bao gồm:

    - Hành vi mang tính thể chất: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục.

    - Quấy rối bằng lời nói: Trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.

    - Quấy rối phi lời nói: Ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

    Ngoài ra, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, nơi làm việc ở đây có thể là bất cứ địa điểm nào mà NLĐ đang làm việc trên thực tế theo thỏa thuận và phân công của người sử dụng lao động. Trong đó, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như sau:

    - Hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn.

    - Hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử.

    - Phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.

    - Nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

    Xem thêm: Vụ Giám đốc Nhã Nam: Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì nên làm gì?

    (2) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì nên làm gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Bộ Luật Lao động 2019 thì nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó phải có phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

    Theo đó, khi người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì có thể lựa chọn một trong hai phương án như sau:

    - Khiếu nại lên cấp trên:

    Tại đây, người lao động bị quấy rối có thể làm đơn khiếu nại và gửi lên cấp trên. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, cấp trên sẽ tiến hành xác minh, xử lý kỷ luật người lao động có hành vi vi phạm. Mà theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 Bộ Luật Lao động 2019 thì người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/19/mau-don-to-cao-quay-roi.docx Mẫu đơn khiếu nại quấy rối tình dục tại nơi làm việc

    Trường hợp không được cấp trên giải quyết thì người lao động có thể khiếu nại lần hai lên Sở lao động và thương binh xã hội nơi người lao động làm việc để giải quyết theo quy định pháp luật.

    - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

    Trường hợp nếu người lao động không muốn ở lại làm việc thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Bởi theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 35 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: 

    “a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; … 

    d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; …”

    Bên cạnh đó, người lao động còn có thể tiến hành yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm danh dự nhân phẩm theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, trình tự, thủ tục tiến hành yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

    (3) Mức xử phạt cho hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng.

    Hiện Bộ Luật hình sự 2015 chưa có quy định cụ thể về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, trường hợp nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:

    - Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

    - Phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:

    + Phạm tội 02 lần trở lên.

    + Đối với 02 người trở lên.

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

    + Đối với người đang thi hành công vụ.

    + Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

    + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    - Phạt từ từ 02 năm đến 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

    + Làm nạn nhân tự sát.

    Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Xem thêm: Vụ Giám đốc Nhã Nam: Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì nên làm gì?

     
    2496 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (17/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận