Phát ngôn gây sốc có thể phải bồi thường thiệt hại - Minh họa
Vừa qua, một cổ đông của tập đoàn Tesla đã đệ đơn kiện tỷ phú Elons Musk vì phát ngôn của ông này trên Tweeter là lý do khiến cổ phiếu của họ bị hạ giá. Cụ thể, tỷ phú người Mỹ từng đăng tải dòng Tweet có nội dung “Giá cổ phiếu của Tesla quá cao!” – ngay sau đó giá thị trường của cổ phiếu công ty này giảm hơn 13 tỷ USD.
Ở Việt Nam, không ít các ông chủ của những tập đoàn lớn cũng là người thích dùng mạng xã hội, thích phát biểu gây sốc trên báo chí! Nếu vụ của Elon Musk xảy ra ở Việt Nam, hoàn toàn có căn cứ để buộc những người có phát ngôn gây ảnh hưởng đến người khác phải bồi thường!
Tại Khoản 2 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, có quy định, Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
“2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.”
Trong Luật chứng khoán 2019 có giải thích:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Chính vì vậy, khi chứng khoán giảm giá, có thể coi nguyên nhân làm giảm giá là một tác nhân khiến cho việc sử dụng, khai thác tài sản bị giảm sút.
Loại trừ trường hợp giảm giá do các yếu tố khách quan của thị trường, nếu việc giảm giá được xác định là do một tác động trực tiếp từ người nào đó (giống như trong trường hợp ông Elon Musk phát biểu), đây hoàn toàn có thể là căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 BLDS:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Tương tự vụ của ông Musk, ở Việt Nam từng xảy ra tình huống theo mô tuýp: Người nổi tiếng nào đó đại diện cho một thương hiệu, nhãn hàng, tuy nhiên vì những phát ngôn không đúng mực hay cách cư xử không tốt nào đó mà họ bị cộng đồng mạng lên án, cuối cùng khách hàng tẩy chay người nổi tiếng, tẩy chay luôn cả nhãn hàng!
Trước đây, từng có trường hợp diễn viên chính của một bộ phim bị tố lăng nhăng, có “người thứ ba” dù đang có vợ. Sau khi báo chí, truyền thông nhắc đến vụ việc này quá nhiều, khán giả quyết định không đi xem phim của anh này nữa. Đoàn làm phim thậm chí đã khởi kiện anh này vì gây thiệt hại cho họ (dù cuối cùng vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa và không ai nhắc đến nữa).
Tuy nhiên, qua các quy định pháp luật trên, có thể thấy rằng khi bạn nổi tiếng, phát ngôn của bạn không chỉ đơn thuần là một cách để thỏa mãn cái tôi của mình. Pháp luật cho phép bất kỳ ai bị thiệt hại khởi kiện đòi bồi thường cho mình!