Vụ Chó cắn chết người tại Long An - Minh họa
Việc nuôi chó và biết rõ sự nguy hiểm của nó với những người xung quanh nhưng vẫn không có biện pháp đảm bảo an toàn rồi để chúng gây thiệt mạng cho người khác chính là yếu tố quan trọng để kết luận người này có bị truy cứu trách nhiệm hính sự hay không.
Mặc dù vẫn cần kết quả điều tra của cơ quan chức năng để biết chính xác những trách nhiệm của người nuôi chó trong trường hợp này, tuy nhiên hãy cùng phân tích các yếu tố của vụ việc dưới góc nhìn của pháp luật!
Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả làm chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.
Bộ luật hình sự 2015, cụ thể là điều 128 quy định:
"Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm."
Khi phân tích các yếu tố cấu thành tội này với trường hợp cụ thể của anh H. (người nuôi chó) có những điều cần lưu ý như sau:
(1) Về Chủ thể: Người đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự
=> Anh này được xác định là 37 tuổi.
(2) Về Khách thể: Quyền sống của con người
=> Hành vi này rõ ràng đã tác động đến mạng sống của người bị hại.
(3) Về Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội dưới lỗi vô ý bao gồm: vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.
+ Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (Khoản 1 Điều 11 BLHS)
+ Làm chết người do lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. (Khoản 2 Điều 11 BLHS)
=> Theo thông tin đã được xác nhận từ các trang báo chính thống, anh này đã được người nhà can ngăn việc nuôi chó dữ. Kể cả khi không ai can ngăn, chính bản thân anh ta phải thấy được rằng những con chó của mình (ở thời điểm hiện tại) đã có cân nặng lên đến 30kg và 52kg – tức xấp xỉ cân nặng của người bình thường.
Với độ lớn như trên cùng bản tính hung dữ sẵn có của loài chó này, tất nhiên chúng ta đều phải biết hậu quả của việc để xổng chó. Trong suốt quá trình nuôi chó khoảng 2 năm, không thể nói rằng anh ta chưa lường trước được hậu quả khi không có những công cụ kiểm soát loài chó hung dữ này. Mặc dù vậy, khi vụ việc xảy ra, rõ ràng anh đã không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với chúng.
Trong trường hợp anh ta biết nhưng vẫn để chó ra đường mà không rọ mõm, tình tiết này sẽ được xem xét là vô ý do quá tự tin.
(4) Về Mặt khách quan: Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động – yếu tố này là bắt buộc để cấu thành tội Vô ý làm chết người.
Dù H không phải là người trực tiếp gây ra cái chết, tuy nhiên sau cùng hậu quả của việc không cẩn thận khi quản lý chú chó chính là mạng sống của người khác bị tước đoạt.
Theo quy định của BLDS 2015, chưa tính đến việc có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu chú chó này được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ thì anh H. trước hết phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Ngoài ra, nếu chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ riêng hành vi không rọ mõm cho chó khi đưa chúng ra nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP.
Tại Anh, bị chó cắn chết, người chủ có thể bị phạt 6-14 năm tù. Ở Mỹ, đã có những vụ án chủ của chó phải đi tù về tội sát nhân, thậm chí đi tù đến 15 năm vì chó dữ của mình cắn chết người khác.