Tóm tắt nội dung vụ án:
Ngày 05/07/2016, anh Nguyễn Minh T được anh Trần Văn H giới thiệu hình thức kinh doanh tiền ảo qua mạng trên một trang web và hưởng lãi theo ngày. Anh T tự tìm hiểu thông tin về hình thức chơi và liên hệ với người quản lý trang web. Sau đó anh T đã giới thiệu cho những người bạn của mình là anh Nguyễn Văn S, Hoàng Văn L, Nguyễn Hùng Đ cùng một số người quen khác tham gia.
Ngày 10/08/2016, T cùng những người đầu tư phát hiện trang web không vào được, số tiền của những người đầu tư không rút ra được. T đã gọi cho anh H nhưng anh H nói mình không biết về sự việc nêu trên. Nghi H lừa đảo, T đã gọi điện cho anh H hẹn gặp để làm rõ sự việc. T đã gọi điện rủ L, S cùng đến gặp H nói rõ nguồn gốc trang web trên là do anh H đưa cho T.
Khoảng 14h ngày 12/08/2016, T lái xe chở L và S đến quán cà phê số 1 (đường Hàm Nghi) để gặp H. Tại đây T nói H là người đưa trang web cho T và yêu cầu H giải thích về việc trang web ngừng hoạt động. Anh H nói trang web đó là anh H tự tìm thấy trên mạng, thấy T tìm nơi đầu tư nên H cho T trang web đó thôi, T đã tự tìm hiểu và tham gia. T nghi ngờ trong điện thoại của anh H có thông tin liên quan đến việc anh H lừa tiền của mọi người và đề nghị anh H cho kiểm tra điện thoại. Anh H không đồng ý. T giằng điện thoại của H nhưng không được, anh H định đứng dậy bỏ đi thì bị T, L kéo tay giữ lại. T, L dùng đầu gối đánh vào bụng, lưng, anh H, quật ngã, đè anh H ra đất để lấy điện thoại. Sau đó anh H bị T và L cho ngồi lên ghế, S dùng dây thắt lưng trói tay H. Sau 2 phút, anh H xin cả nhóm bình tĩnh nói chuyện thì L cởi trói cho H. Lúc này chủ quán cà phê đã yêu cầu cả nhóm không gây mất trật tự nên L, S, H, T đã di chuyển đến địa điểm khác là quán cà phê số 2 ( đường Tây Sơn). Tại quán cà phê số 2 thì mọi người nói chuyên. Khoảng 10 phút sau thì 2 người bạn của H có mặt tại quán cà phê . T, L bảo anh H lừa tiền của mọi người và yêu cầu H viết giấy vay nợ 2.600.000.000 đồng tương đương với số tiền 115.000 USD (số tiền hoạt động của nhánh do T đứng đầu trên trang Web), anh H nói mình không viết giấy nợ mà chỉ viết giấy hẹn ngày hôm sau gặp tiếp tục giải quyết. T, H, L tiếp tục ngồi nói chuyện với nhau đến 18h thì cả nhóm ra về. Sau đó H đã trình báo với cơ quan công an. Ngày 14/08/2016, T, S, L bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ.
S, L, T cùng phạm tội “bắt giữ người trái pháp luật”
Trong đó, bản án sơ thẩm đã áp dụng Khoản 1 Điều 123; Điều 33; Điểm b,p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự: xử phạt bị cáo S 05 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”
Bị cáo S đã kháng cáo xin được hưởng án treo và có tìm đến công ty Luật TNHH TGS để được luật sư bào chữa trong giai đoạn phúc thẩm.
Luận cứ bào chữa của Luật sư cho bị cáo S tại phiên tòa phúc thẩm
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và qua quá trình thẩm vấn công khai taị phiên toà ngày hôm nay. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự hiện hành; tôi kính đề nghị Quý tòa lưu ý đến một số nội dung pháp lý liên quan đến việc Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm kết án bị cáo S như sau:
– Tại bản án hình sự sơ thẩm số …/2017/HSST, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã áp dụng Khoản 1 Điều 123; Điều 33; Điểm b,p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo S 05 (năm) tháng tù. Tuy nhiên, nếu xem xét, đánh giá toàn diện nội dung vụ án, từ hoàn cảnh, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, việc Tòa án cấp sơ thẩm phạt ông S 5 tháng tù là quá nghiêm khắc.
Thứ nhất: xét về nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của S
Thân chủ của tôi với những người bạn của mình trước hết chỉ muốn gặp gỡ anh H (người bị hại) để nói chuyện, trao đổi về việc trang web kinh doanh tiền ảo bị ngừng hoạt động để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên đứng trước nguy cơ bị “mất trắng” số tiền lớn, thân chủ của tôi cũng như anh T, anh L khó có thể giữ được bình tĩnh khi người đã từng giới thiệu cho họ về trang web kinh doanh tiền ảo trên lại không hợp tác và có những biểu hiện củng cố thêm sự nghi ngờ về dấu hiệu lừa đảo. Bởi “ Đồng tiền đi liền khúc ruột”, lai đứng trước nguy cơ mất số tiền lớn không lời giải đáp, thân chủ tôi và anh L, anh T đã buộc phải giữ anh H lại khi anh H muốn bỏ đi. Rõ ràng việc bắt giữ anh H chỉ xuất phát khi anh H có hành vi từ chối cho mọi người xem điện thoại và bỏ đi. Trong khi mọi người đang ngồi cùng nhau để tìm cách tháo gỡ và muốn anh H chứng minh về vấn đề có hay không việc anh H lừa đảo mọi người. Kính đề nghị Hội đồng xét xử lưu tâm đến vấn đề này bởi thân chủ của tôi và anh L, anh T có hành vi vi phạm pháp luật cũng trong tâm trạng đang bức xúc vì nhận thấy có những dấu hiệu bị lừa đảo. Chính thân chủ tôi và anh L, anh T sau khi gặp gỡ anh H cũng đã làm đơn trình báo với cơ quan công an nhưng chưa kịp trình báo thì đã bị bắt để xử lý về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Thứ hai: xét về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
Hành vi của thân chủ tôi chỉ dừng lại ở việc trói tay anh H trong thời gian rất ngắn đó là 2 phút nhằm mục đích giữ anh H ở lại. Trong khi đó, thân chủ của tôi vì sức khỏe yếu nên cũng chỉ giữ một vai trò rất mờ nhạt trong vụ án này. Tại bút lục 188, người chứng kiến là chị H. Q. T cũng đã khẳng định chị có “đỡ anh S vào ghế ngồi vì chân anh S yếu”.
Tại bút lục 200, anh L. H. Q, chủ quán cà phê số 1 có khẳng định “ Sau khi được cởi trói, tôi thấy họ nói chuyện bình thường một lúc rồi đi cùng nhau”, “ Tôi thấy họ đi bình thường với nhau, không ai khống chế, thanh niên áo xám”. Rõ ràng, việc trói anh H chỉ diễn ra trong tích tắc và sau đó mọi người lại cùng nói chuyện, trao đổi không còn diễn ra việc bắt giữ hay ép buộc anh H phụ thuộc vào sự quản lý của các bị cáo. Bản thân các bị cáo cũng luôn ý thức đây là cuộc nói chuyện, trao đổi để tìm ra giải pháp giải quyết những rắc rối. Việc trói giữ không nhằm mục đích thỏa mãn sự nóng giận tức thời hay trừng trị ai mà muốn anh H ngồi lại và nghiêm túc, có trách nhiệm giải quyết vấn đề.
Thứ ba: trong suốt diễn biến phiên tòa ngày hôm nay, thân chủ của tôi đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Ngay tại giai đoạn điều tra, thân chủ của tôi cũng đã khai báo đầy đủ giúp cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát làm rõ được hành vi vi phạm của mình. (Điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Thứ tư: thân chủ của tôi đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại nhằm khắc phục hậu quả;(Điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS) ( được ghi nhận tại bút lục 377)
Thứ năm: anh H là người bị hại trong vụ án cũng đã viết đơn xin miễn hình phạt tù cho các bị cáo. Thiết nghĩ, sự việc xảy ra không như ý muốn của thân chủ tôi và các bên cũng đã nhìn nhận lại vấn đề, có cái nhìn thấu hiểu và thông cảm cho nhau thì việc đưa ra hình phạt tù lúc này là không cần thiết và thực sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của thân chủ tôi.
Thứ sáu: thân chủ của tôi là người bị khuyết tật nặng căn cứ theo giấy xác nhận khuyết tật ủy ban nhân dân dân xã HL. Hiện thân chủ tôi đang được hưởng chế độ chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước (bút lục 331-336) (đề nghị áp dụng Điểm p Khoản 1 Điều 51 BLHS Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng)
– Dạng khuyết tật: Khuyết tật vận động
– Mức độ khuyết tật: Khuyết tật nặng
Thứ bảy: thân chủ của tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố là ông N đã được tặng huân chương kháng chiến vì có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (BL 337). Bên cạnh đó, anh trai của thân chủ tôi lại là liệt sĩ.
Tôi kính đề nghị Qúy Tòa áp dụng Khoản 2, Điều 51 BLHS, coi đây là một tình tiết giảm nhẹ và cho phép bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ này.
Thứ tám: hiện nay thân chủ của tôi phải một mình nuôi dưỡng con nhỏ mới 13 tháng tuổi bởi bà N.T. H (vợ) đã bỏ nhà đi. Căn cứ theo giấy chứng sinh và giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố nơi anh S đang tạm trú. Bởi vậy, việc áp dụng hình phạt tù lúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cháu nhỏ bởi cháu đã thiếu đi tình cảm của mẹ nay lại không được sự chăm sóc của cha.
Căn cứ vào phân tích nêu trên và các quy định của pháp luật tôi đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 357 BLTTHS 2015 cụ thể là giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”
Thân chủ của tôi hoàn toàn đáp ứng các điều kiện để được hưởng án treo theo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, như sau:
Thứ nhất: thân chủ của tôi chỉ bị xử phạt tù về tội ít nghiêm trọng .
Thứ hai: mặc dù thân chủ của tôi có án tích nhưng đã được xóa án tích, do vậy được coi là chưa bị kết án; (án từ năm 2002 đến nay mới xảy ra hành vi vi phạm)
Thứ ba: có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;
Thứ tư: không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có nhiều tình tiết giảm nhẹ
Thứ năm: thân chủ tôi hoàn toàn có khả năng tự cải tạo và việc không phạt tù cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội.
Do đó việc để bị cáo được chấp hành hình phạt ở ngoài xã hội, tạo điều kiện cho Bị cáo được ở bên gia đình là hài hòa và phù hợp, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước mà vẫn đảm bảo tính giáo dục, răn đe răn đe trước pháp luật đồng thời tạo cơ hội để bị cáo làm lại cuộc đời trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trên đây là toàn bộ nội dung bào chữa của tôi cho bị cáo S. Kính đề nghị Quý tòa lưu tâm để có thể xem xét và đưa ra một bản án thấu tình đạt lý, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tôi.