Khi bước vào hôn nhân, ai cũng muốn mình được hạnh phúc và có một gia đình ấm êm nhưng khi giấc mộng vỡ tan, tình trạng hôn nhân căng thẳng, việc ly hôn là điều khó tránh khỏi. Vậy khi phát hiện con vừa sinh không phải con mình, người chồng có quyền ly hôn không?
(1) Phát hiện con vừa sinh không phải con mình, người chồng có quyền ly hôn không?
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu ly hôn như sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trường hợp phát hiện con vừa sinh không phải con mình, nghĩa là thuộc trường hợp người vợ mới sinh con, và diện nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang trong diện mới sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi được.
Tuy nhiên, tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nhắc tới khái niệm thuận tình ly hôn như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Cộng thêm việc pháp luật chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi chứ không cấm việc người vợ muốn ly hôn với chồng khi đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Tổng hợp hai điều trên lại thì người chồng tuy không được ly hôn với người vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng nếu hai vợ chồng thỏa thuận tự nguyện ly hôn hoặc do người vợ yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết cho ly hôn.
Nếu hai vợ chồng không có thỏa thuận tự nguyện ly hôn và người vợ cũng không yêu cầu ly hôn thì người chồng không được phép ly hôn khi vợ đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi dù phát hiện ra người con đó không phải con ruột của mình.
(2) Người chồng có thể đơn phương ly hôn không?
Theo điểm a khoản 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, hôn nhân được coi là lâm vào tình trạng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
Theo quy định của pháp luật về đơn phương ly hôn, người chồng chỉ có thể thực hiện việc yêu cầu Tòa án xem xét cho đơn phương ly hôn khi đủ các điều kiện sau đây:
- Có bằng chứng đầy đủ về việc đứa trẻ không phải con đẻ, bằng chứng ngoại tình khiến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung vợ chồng không thể kéo dài; vợ, chồng không thể ở cùng với nhau được nữa (khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
- Vợ không thuộc trường hợp mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Như vậy, khi có thể chứng minh và đáp ứng được cả hai điều kiện trên thì người chồng có thể yêu cầu ly hôn vợ mình khi phát hiện con chung trong thời kỳ hôn nhân không phải là con của mình.
(3) Phát hiện con chung không phải con ruột, có phải cấp dưỡng sau ly hôn không?
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng
Do đó, dù đã có kết quả chứng minh không phải con ruột của mình thì đứa con được người vợ mang thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đều là con chung của vợ chồng.
Cho nên khi giải quyết việc ly hôn, nếu thuộc vào các trường hợp trên và chưa có quyết định của Tòa án thì vẫn xác định người con đó là con chung của hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân, thì dù thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì sẽ có một người giành được quyền nuôi con và người không ở với con sẽ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con.
(4) Khi nào thì chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt khi:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn
- Trường hợp khác theo quy định của luật
Như vậy, khi có một trong các căn cứ trên thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt.
Trong trường hợp cấp dưỡng tự nguyện theo sự thỏa thuận của các bên thì các bên cũng có thể thỏa thuận để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi có căn cứ.
Trong trường hợp cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án thì khi có một trong các căn cứ trên, người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng có quyền thông báo bằng văn bản với cơ quan thi hành án để cơ quan thi hành án ra quyết định chấm dứt thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.