Vô tình đào được cổ vật có được giữ lại không? Nếu giao nộp thì được thưởng như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617301 10/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19898
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 438 lần


    Vô tình đào được cổ vật có được giữ lại không? Nếu giao nộp thì được thưởng như thế nào?

    Một ngày nào đó, vô tình bạn đào được một cổ vật thì phải xử lý thế nào, có bắt buộc phải giao nộp cho nhà nước không? Nếu giao nộp thì có được thưởng không? Cùng làm rõ vấn đề này nhé!

    (1) Vô tình đào được cổ vật có được giữ lại không?

    Theo khoản 1 Điều 229 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

    Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 229 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định:

    Trường hợp phát hiện ra tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, nếu tài sản đó không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy.

    Như vậy, pháp luật quy định, khi phát hiện hoặc vô tình đào được cổ vật thì phải thông báo hoặc trả lại cho chủ sở hữu.

    Song, đối với cổ vật thì rất khó xác định ai là chủ sở hữu thật sự, do đó, trường hợp không biết chính xác ai là chủ sở hữu thì bạn cần phải thông báo việc phát hiện ra cổ vật hoặc giao nộp lại cổ vật đó cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã xử lý.

    Chỉ khi nào giá trị của món cổ vật đó dưới 10 lần mức lương cơ sở và không thuộc diện tài sản di tích lịch sử - văn hóa thì người tìm thấy mới được quyền giữ lại cổ vật.

    (2) Giao nộp cổ vật cho nhà nước có được thưởng không?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

    Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

    - Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

    - Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

    Căn cứ theo quy định trên, khi vô tình đào được cổ vật, dù cổ vật đó có thuộc diện tài sản di tích lịch sử - văn hóa hay không thì người tìm thấy tài sản đó cũng sẽ được thưởng, nhưng chỉ trong trường hợp không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu.

    Đặc biệt, như đã phân tích ở mục (1), nếu giá trị món cổ vật dưới 10 lần mức lương cơ sở và không thuộc diện tài sản di tích lịch sử - văn hóa thì người tìm thấy được quyền sở hữu, giữ lại.

    Trường hợp vượt quá 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng khoản tiền bằng 10 lần mức lương cơ sở cùng với 50% giá trị vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, Nhà nước sẽ hưởng phần còn lại, tức 50% giá trị vượt quá 10 lần cùng với cổ vật đó.

    (3) Mức tiền thưởng cụ thể khi tìm được cổ vật mà giao nộp cho nhà nước

    Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

    - Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

    - Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

    - Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

    - Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

    - Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

    Ngoài ra, trường hợp phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa thì mức tiền thưởng bằng 50%, nếu không phải tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng nêu trên.

    Lưu ý, giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí như chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt, giám định, vận chuyển, bảo quản tài sản, chi thưởng, thuế phí,...v.v (các khoản chi theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 29/2018/NĐ-CP).

    Tổng kết lại, khi vô tình đào được cổ vật, bạn không được phép giữ lại mà phải thông báo hoặc giao nộp cho chủ sở hữu, trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì giao nộp cho cơ quan nhà nước (UBND, Công an cấp xã). 

    Khi giao nộp cho cơ quan nhà nước cổ vật đó, bạn chắc chắn sẽ được thưởng, phụ thuộc vào giá trị của cổ vật và cổ vật đó có thuộc diện tài sản di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia hay không mà mức thưởng sẽ khác nhau.

     
    62 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận