Vợ mất không để lại di chúc, chồng có được thừa kế tài sản của nhà vợ?

Chủ đề   RSS   
  • #612072 29/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Vợ mất không để lại di chúc, chồng có được thừa kế tài sản của nhà vợ?

    Cha, mẹ vợ mất không để lại di chúc, sau đó vợ cũng mất, chồng có được thừa kế tài sản của gia đình vợ không?

    Cha, mẹ vợ có hai người con gồm vợ tôi và một người em trai. Cha, mẹ vợ mất cách đây 03 năm nhưng không để lại di chúc, di sản để lại là một căn nhà, tôi và vợ sống cùng với em trai vợ trong căn nhà này và không xảy ra tranh chấp.

    Vợ tôi vừa mất cách đây 03 tháng và cũng không có di chúc, em trai của vợ không cho tôi tiếp tục sinh sống trong căn nhà chung nữa, vậy trong trường hợp này, tôi có được thừa kế tài sản của gia đình vợ không?

    (1) Phân chia di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc

    Theo Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

    - Không có di chúc;

    - Di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Như vậy, trường hợp người mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật như theo quy định trên.

    (2) Vợ mất, chồng có được thừa kế tài sản từ nhà vợ?

    Như đã đề cập ở trên, việc chia thừa kế có hai hình thức là chia thừa kế theo di chúc của người mất hoặc chia thừa kế theo pháp luật.

    Trường hợp không có di chúc thì việc chia thừa kế sẽ được diễn ra theo hình thức chia thừa kế theo pháp luật.

    Lúc này, người được nhận thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau

    - Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Như vậy, khi cha, mẹ vợ mất không để lại di chúc, di sản là căn nhà sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất. Trường hợp cha, mẹ vợ không còn cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi thì di sản được chia đều cho hai người con là vợ và em trai của vợ.

    Khi vợ mất mà không để lại di chúc, thì di sản sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất của vợ, trường hợp này hàng thừa kế thứ nhất của người vợ là là chồng và các con (nếu có). Di sản sẽ bao gồm phần tài sản của vợ trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, tài sản riêng của vợ và tài sản vợ được nhận thừa kế từ gia đình vợ.

    Như vậy, người chồng lúc này sẽ được thừa kế tài sản của người vợ bao gồm cả tài sản mà vợ được thừa kế từ gia đình vợ.

    Để tránh xảy ra tranh chấp, người chồng nên trao đổi với người em trai của vợ về việc được hưởng và chia thừa kế liên quan đến tài sản của cha, mẹ vợ.

    Nếu hai bên có thể thỏa thuận, hai bên làm thủ tục kê khai di sản thừa kế để nhận phần tài sản theo đúng quyền lợi của mình.

    Trong trường hợp không thỏa thuận được, người chồng có thể làm đơn khởi kiện lên Tòa án, khi đó Tòa sẽ giải quyết tranh chấp thừa kế đối với di sản thừa kế là đất và nhà để xác định phần tài sản mà các bên được hưởng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

     
    2564 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (06/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận