Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Chủ đề   RSS   
  • #614822 03/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 463 lần


    Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

    Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo về việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường

    (1) Thông báo về việc đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường

    Bộ Công Thương lấy làm tiếc vào ngày 02 tháng 8 năm 2024 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

    Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

    Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, New Zealand…

    Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá… Những thay đổi này đã được  làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh  một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.

    (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương)

    Link bài viết: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/thong-tin-ve-viec-de-nghi-hoa-ky-cong-nhan-viet-nam-la-quoc-gia-co-nen-kinh-te-thi-truong.html

    (2) Bộ 06 tiêu chí của Mỹ để xét quốc gia có nền kinh tế thị trường

    Trên thế giới hiện nay có 02 hệ thống kinh tế đối lập nhau đó là kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường. Khi thất bại ở hệ thống kinh tế kế hoạch, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang phát triển hệ thống kinh tế thị trường, tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu.

    Tuy nhiên, các quốc gia chuyển đổi hội nhập để được công nhận là nền kinh tế thương mại thì phải tuân theo luật chơi được đặt dưới sự chi phối của các nước tư bản phát triển phía phương Tây.

    Quốc gia chỉ thực sự được công nhận là hội nhập vào nền kinh tế thị trường khi được chấp thuận và công nhận là nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí riêng. Sau khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, quốc gia đó sẽ thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Cụ thể, về hạn mức tín dụng, được các tổ chức tài chính cho mức cao hơn, phí về rủi ro thấp hơn; việc vay mượn quốc tế của quốc gia và doanh nghiệp thuận lợi hơn; về chống bán phá giá của doanh nghiệp và hàng hóa, khi xem xét, họ dựa vào giá bán trong nước so với giá xuất khẩu - như vậy công bằng hơn và ít bị kết luận bán phá giá và áp thuế nhập khẩu cao.

    Nếu không được công nhận là nền kinh tế thị trường thì họ lấy giá của nước thứ 3 so sánh, gây bất lợi cho xuất khẩu và không tránh khỏi bị kết luận bán phá giá, bị áp thuế nhập khẩu cao để hạn chế bán hàng vào thị trường của các nước trong hệ thống kinh tế thị trường.

    Như vậy, được công nhận nền kinh tế thị trường sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển nhanh.

    Tuy nhiên, trên thực tế việc có được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố kinh tế - kỹ thuật mà còn phụ thuộc cả vào các yếu tố chính trị. Cụ thể, Việt Nam đã được không ít nước công nhận là nền kinh tế thị trường, trong khi đó Mỹ và EU chưa công nhận. Điều này cho thấy tiêu chí để công nhận nền kinh tế là kinh tế thị trường cũng khác nhau.

    Theo Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ 1930, 06 tiêu chí khi xem xét một quốc gia có nền kinh tế thị trường bao gồm:

    (i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền

    (ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;

    (iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;

    (v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả

    (vi) Các yếu tố khác

    (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài Chính)

    Link bài viết: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=UCMTMP131545

     
    718 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận