Đơn xin giảm án và việc thay đổi hình phạt
Vụ án cha dượng và mẹ đẻ bạo hành con gái 3 tuổi đến tử vong khép lại chưa lâu, mẹ của nữ bị cáo viết đơn xin giảm án cho 2 đối tượng này. Vậy đơn xin giảm án có vai trò gì trong việc quyết định hình phạt, trách nhiệm hình sự hay không?
Bài viết sẽ phân tích việc giảm án dưới hai góc độ: Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm mức hình phạt đã tuyên.
Thứ nhất, căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Căn cứ quyết định hình phạt của Tòa án:
“1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.”
Theo đó Tòa án sẽ bên cạnh các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, Tòa án còn phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội để quyết định hình phạt cho họ.
Ngoài ra, tại Điều 51 Bộ luật này quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó tại Khoản 2:
“Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”
Với căn cứ này, ta có thể xem việc viết đơn xin giảm án là “tình tiết khác” để giảm nhẹ hình phạt (thực tế đã có những trường hợp chấp nhận đơn xin giảm án).
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng: Những căn cứ này là căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt trong Bản án, tức khi chưa tuyên án.
Mỗi vụ án có thể phải trải qua các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Sau khi có bản án sơ thẩm, người phạm tội có thể thực hiện việc Kháng cáo để được mở ra quá trình phúc thẩm, đưa vụ án lên cấp Tòa án cao hơn xem xét lại nội dung vụ án
=> Bằng cách này, có thể mức án đã tuyên ở sơ thẩm sẽ được thay đổi theo hướng giảm đi, tuy nhiên sau khi đã có bản án phúc thẩm thì hiệu lực thi hành của bản án chỉ có thể bị thay đổi nếu xuất hiện thủ tục Tái thẩm, Giám đốc thẩm.
Như vậy có thể hiểu rằng, đơn xin giảm án chỉ có thể được xem xét làm căn cứ giảm nhẹ án trước khi có bản án.
Thứ hai, căn cứ giảm nhẹ hình phạt đã tuyên
Điều 63 Bộ luật hình sự nêu những căn cứ để một người được giảm án phạt đã tuyên:
“1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt."
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”
Trong trường hợp này, các điều kiện để được giảm nhẹ hình phạt phụ thuộc vào cơ quan thi hành án hình sự, đơn xin giảm án chưa thể trở thành căn cứ giảm nhẹ án đã tuyên.
Như vậy, có thể kết luận rằng đơn xin giảm án chỉ có tác dụng làm căn cứ để tuyên giảm nhẹ hình phạt trước khi có quyết định cuối cùng của Tòa án. Khi bản án đã được tuyên, đơn này chỉ có thể thành căn cứ sau khi có thủ tục phúc thẩm.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 16/12/2020 10:13:11 SA