Đây là một câu chuyện mình đã đọc được thời gian gần đây, nay mình chia sẻ lại để các bạn được biết câu chuyện “Lý do vì sao người giàu càng giàu, còn người nghèo càng nghèo”.
Có một người nghèo và một người giàu sống gần nhau. Người nghèo luôn than thân trách phận và ghen tị với người giàu vì hàng ngày anh ta đều phải làm việc vất vả nhưng số tiền kiếm được lại chẳng đáng gì so với thu nhập của người giàu.
Sau những tháng ngày sống trong khổ sở như vậy, một hôm anh ta thỉnh cầu một đấng tối cao đến giải đáp cho những nỗi oan khuất trong lòng mình. Đức Phật hiện ra, anh ta vừa khóc vừa kể lể về những nỗi vất vả mà mình phải chịu đựng trong cuộc sống. Cuối cùng, anh ta oán giận và nói: “Con thấy cuộc đời này thật quá bất công! Tại sao người giàu có thể nhàn nhã tự tại, còn người nghèo như con thì suốt ngày phải làm việc vất vả mà vẫn không đủ ăn?”
Đức Phật mỉm cười và hỏi lại anh ta: “Vậy phải như thế nào thì con mới cảm thấy công bằng?”
Anh người nghèo nhanh nhảu trả lời: “Dạ! Con xin Ngài hãy để cho người giàu có cũng nghèo như con. Nếu như sau một thời gian mà người giàu đó vẫn giàu có thì con sẽ không còn oán trách gì nữa ạ!”
Đức Phật gật đầu nói: “Được!”
Nói xong, Đức Phật biến người giàu trở thành một người nghèo giống như anh ta. Đồng thời, Đức Phật cũng biến ra hai ngọn núi có nhiều than đá để cho hai người họ cùng tới đó đào than kiếm sống.
Thế là, người nghèo và người giàu cùng bắt đầu tới ngọn núi để khai thác than đá. Người nghèo hàng ngày làm việc nặng đã quen nên chẳng mấy chốc, anh ta đã đào được một xe than đá và đem ra chợ bán lấy tiền. Sau khi bán được tiền, anh ta dùng số tiền đó mua đồ ăn và quần áo mang về nhà cho vợ con, số tiền còn dư anh ta tích góp với ý định xây nhà.
Còn anh nhà giàu không quen với việc nặng nhọc nên cứ đào được một lúc anh ta lại nghỉ một lúc. Đến tận chiều muộn, anh ta mới đào được một nửa xe than và đem ra chợ bán lấy tiền. Nhưng mà, sau khi bán được tiền rồi anh ta chỉ mua mấy cái bánh bao mang về cho cả gia đình, số tiền còn lại anh ta cất đi để dành.
Ngày hôm sau, anh người nghèo dậy thật sớm để đi đào than với hy vọng đào được nhiều hơn hôm trước. Còn anh nhà giàu đi ra chợ cả buổi sáng không trở về. Đến chiều, anh ta dẫn theo hai người cao lớn và khỏe mạnh thay anh ta đào than. Anh nhà giàu sau đó chỉ đứng chỉ đạo hai người kia làm việc.
Trong vòng một buổi chiều, hai người kia đã đào được hai xe than đầy. Sau đó, anh nhà giàu chỉ cần đem than đi bán, trừ đi tiền công cho hai người kia vẫn còn dư lại kha khá.
Những ngày sau, anh nhà giàu vẫn tiếp tục đi xuống chợ cả buổi sáng, đến chiều mới về cùng hai người đàn ông kia. Hai người kia đã không cần anh ta chỉ đạo nữa mà có thể tự chủ động làm việc. Anh ta cũng bắt đầu xây dựng chuồng trại và mua gà về nuôi.
Sau một thời gian, anh người nghèo vẫn ngày ngày cặm cụi đào than từ sáng đến tối nhưng kinh tế không khá lên. Còn người giàu thì đã thuê nhiều người hơn, đào được nhiều than hơn, thuê cả người thay anh quản lý và có được một trang trại chăn nuôi lớn. Anh người giàu đã trở lại giàu có như ngày nào.
Đến lúc này, anh người nghèo nghĩ ràng số phận đã định như vậy nên anh không còn oán trách gì nữa. Tuy nhiên, anh vẫn qua hỏi anh người giàu lý do anh ta có thể trở lại giàu có. Anh người giàu vui vẻ trả lời rằng bởi vì anh ta không có sức lực nên anh ta chấp nhận chia sẻ thành quả lao động với những người có thể giúp anh tạo ra nhiều giá trị hơn. Anh ta nhận thấy ngọn núi buổi sáng quá nắng để làm việc, trong khi chợ buổi sáng lại rất tấp nập, cho nên anh luôn ở chợ mỗi sáng để kiếm mối kinh doanh. Ngoài ra anh còn dùng tiền để đầu tư chăn nuôi nên đã có nguồn thức ăn để mang ra chợ bán.
Từ đó, anh nhà nghèo mới vỡ lẽ ra không phải do số phận mà anh ta nghèo. Học theo người giàu, một thời gian sau thì kinh tế của anh ta đã khá lên.
Bạn có thể thấy rằng, nếu chỉ ngày ngày cặm cụi với công việc của mình thì bạn chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền và giàu được. Thay vào đó, phải luôn biết đầu tư hợp lý vào những nguồn giá trị khác thì mới có thể thu được nhiều lợi nhuận.