Vi phạm hợp đồng trước thời hạn (ANTICIPATORY BREACH)

Chủ đề   RSS   
  • #226322 13/11/2012

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Vi phạm hợp đồng trước thời hạn (ANTICIPATORY BREACH)

     

    "VI PHẠM HỢP ĐỒNG KHI CHƯA ĐẾN THỜI HẠN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ (ANTICIPATORY BREACH) VÀ SỰ CẦN THIẾT ĐIỀU CHỈNH BẰNG PHÁP LUẬT"

    LỜI NÓI ĐẦU

    ******

                Như chúng ta đã biết việc ký kết hợp đồng được thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích của các bên tham gia ký kết. Nhưng trong hoạt động kinh doanh thương mại, vi phạm hợp đồng là một điều không thể tránh khỏi. Cùng với những vi phạm đó thì chắc rằng một hệ quả  sinh ra là lợi ích của các bên không được cân bằng như trước mà rằng “kẻ được người mất”. Chính vì lẽ đó mà pháp luật nói chung, pháp luật hợp đồng nói riêng ra đời nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên, đồng thời để bảo vệ bên trung thực, thiện chí trong các giao dịch. Nói đúng hơn là, pháp luật hợp đồng giúp cho các quan hệ trong xã hội được hài hòa, bảo đảm quyền và lợi ích của mỗi người, giúp công bằng xã hội. Nó đã được ghi nhận trong pháp luật của các nước cũng như pháp luật hợp đồng Việt Nam: vai trò của pháp luật hợp đồng là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân (1).

                Lý thuyết “Vi phạm hợp đồng” ra đời và tồn tại lâu dài trong tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và theo lý thuyết truyền thống khi hết thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng nhưng một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sự vi phạm hợp đồng mới được xác định. Với thời gian tồn tại lâu dài của lý thuyết trên nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, và hầu như đa số cho rằng đó là điều chân lý – không gì có thể phù hợp hơn. Nhưng thế giới khách quan luôn vận động và không ngừng phát triển, chính vì lẽ đó mà trong thực tiễn xã hội cũng như trong cuộc sống pháp lý luôn có những khái niệm, cũng như muôn vàn hiện tượng mới nảy sinh và trong đó có thuyết “Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”. Vậy nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây là: thuyết “Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ” có mâu thuẫn gì với lý thuyết truyền thống hay không, nó có đi trái lại sự phát triển của xã hội hay không, nó có lý do để tồn tại hay không, và có thật sự cần thiết phải có sự điều chỉnh vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong pháp luật hợp đồng của Việt Nam chúng ta hay không ? ... Bài viết này sẽ là lời đáp cho những câu hỏi nêu trên.

     

    NỘI DUNG CHÍNH

    *******

    1.Vi phạm hợp đồng theo lý thuyết truyền thống

             Theo lý thuyết truyền thống, vi phạm hợp đồng là vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng. Điều này có nghĩa là khi hết thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sự vi phạm hợp đồng mới được xác định. Có hai căn cứ để xác định vi phạm hợp đồng:

            Một là, do vi phạm những thỏa thuận hay còn gọi là những cam kết đã ghi trong hợp đồng. Ví dụ,  A kí hợp đồng mua bán hàng hóa với B và trong hợp đồng có thỏa thuận thời điểm giao hàng là ngày 1 tháng 4. Vậy trong trường hợp này thì từ ngày 1 tháng 4 trở đi mới có quyền xác lập là có vi phạm hợp đồng hay không ? Và ở đây là từ ngày 1 tháng 4 , nếu người bán là B không giao hàng đúng thời hạn cho người mua là A thì A mới có quyền nói rằng B vi phạm nghĩa vụ giao hàng. Vậy thời điểm xác định hành vi có vi phạm hợp đồng hay không là thời điểm thực hiện hợp đồng.

             Hai là, do vi phạm các quy định của pháp luật về nội dung của hợp đồng. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa là tất cả các điều khoản được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trên cơ sở các điều khoản này cho phép xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Điều 80 Luật Thương mại 1997 quy định rằng : Nếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thiếu một trong các nội dung quy định của hợp đồng thì sẽ không có giá trị pháp lý. Ví dụ như chất lượng hàng hóa là một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng, vậy mà trong hợp đồng các bên không có thỏa thuận về chất lượng hàng hóa thì coi như là đã vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên bộ luật dân sự và thương mại 2005 không quy định các điều khoản tối thiểu của hợp đồng mà chỉ quy định một số nội dung mang tính hướng dẫn cho các bên xác lập thực hiện hợp đồng. Vậy khi xác định một bên nào đó có vi phạm hợp đồng hay không thì phải xác định bên đó vi phạm loại điều khoản nào của hợp đồng .

          Tuy nhiên, nếu vi phạm hợp đồng theo cách truyền thống chỉ dừng lại ở đây thì không có gì phải bàn cãi. Song trong thực tiễn lưu thông dân sự và hoạt động thương mại, ngoài hai trường hợp vi phạm hợp đồng truyền thống nói trên còn xuất hiện học thuyết vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ.

     2.Nguồn gốc lịch sử của thuyết “Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”.

          Thuyết này được ra đời từ án lệ của Anh trong vụ kiện nổi tiếng giữa Hochster v De La Tour năm 1853. Có thể tóm lược vụ kiện này như sau: Vào tháng tư năm 1852, De La Tour đồng ý thuê Hochster như người chuyển phát của ông trong ba tháng kể từ ngày 1/6/1852 cho một chuyến đi vòng quanh châu Âu. Ngày 11/5, De La Tour sa thải Hochster và bác bỏ hợp đồng. Ngày 22/5, Hochster đưa đơn kiện. Lập luận của nguyên đơn (Hochster) là, sự từ bỏ của bị đơn là một hành vi vi phạm hợp đồng và nguyên đơn cần phải được bồi thường thiệt hại. Còn lập luận của bị đơn (De La Tour) rằng,  Hochster vẫn phải ở lại để chuẩn bị thực hiện một nghĩa vụ đã đến thời hạn, do đó ông ta không thể làm việc này được. Nên có thể nhận thấy hành vi của Hochster là vi phạm hợp đồng trước ngày thực hiện hợp đồng. Kết quả của vụ kiện trên là thẩm phán bác đơn của nguyên đơn(2).Từ vụ kiện đấy, nên về sau thuyết này không chỉ bị bó gọn trong khuôn khổ pháp luật nước Anh mà nó còn lan tỏa đến pháp luật Mỹ và các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh – Mỹ. Đầu tiên luật của các nước này chỉ quy định một cách dè chừng, trong trường hợp chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng một trong các bên tuyên bố hủy hợp đồng.Tuy nhiên cùng với sự phát triển của pháp luật hợp đồng nên thuyết này cũng được phát triển theo. Và từ đó thuyết này không chỉ được áp dụng trong trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thực tế mà ngay cả khi sự từ chối thực hiện hợp đồng được dự đoán trước.Có thể nhận thấy rằng,khác với pháp luật của Anh-Mỹ, pháp luật của đa số các nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa không có sự điều chỉnh vi phạm hợp đồng này và cũng vì lẽ đó mà không đề cập đến hậu quả pháp lý của nó. Điển hình là tại điều 1186 bộ luật dân sự Pháp quy định: không thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có kỳ hạn khi chưa đến kỳ hạn đó (3) .

    Với những vấn đề đã đề cập ở trên ta dễ dàng nhận ra trên thế giới đã chia làm hai luồn quan điểm khác nhau. Quan điểm một là, theo lý thuyết truyền thống – Sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chỉ được xác định khi hết thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng nhưng một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình. Quan điểm hai là, theo lý thuyết mới – Vi phạm hợp đồng khi chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Với những luồn quan điểm khác nhau đó tất nhiên  sẽ có những luận điểm riêng để bảo vệ cho quan điểm của mình. Bởi vậy, cuộc tranh luận xung quanh học thuyết “Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ” vẫn chưa đi đến hồi kết – lắm kẻ phản đối nhiều người ủng hộ. Và dường như trong pháp luật hợp đồng Việt Nam không chấp nhận thuyết này bởi trong pháp luật nước nhà chẳng có quy định nào nói đến thuyết mới này. Vậy với lý do gì mà thuyết mới này có chỗ đứng trong pháp luật một số nước cũng như trong tư tưởng của những “chuyên gia ủng hộ”. Phần 3 của bài tiểu luận này sẽ làm rõ vấn đề trên, đồng thời toát lên lý do tồn tại của thuyết “ Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”   

    3. Vi phạm hợp đồng trước thời hạn (anticipatory breach)

    Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ hay vi phạm hợp đồng trước thời hạn (anticipatory breach) được thể hiện như sau: trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được các bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu bên có quyền biết được rằng nghĩa vụ sẽ không thể được thực hiện, hoặc có căn cứ để nghi ngờ rằng nghĩa vụ sẽ không thể được thực hiện, thì có thể thực hiện ngay các quyền, hoặc một số quyền mà thông thường chỉ được dành cho các trường hợp nghĩa vụ đã không được thực hiện trên thực tế. Theo pháp luật Anh – Mỹ, hậu quả pháp lý cơ bản nhất của loại vi phạm này là sự công nhận quyền của bên có nguy cơ bị vi phạm huỷ hợp đồng, và yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại mà không cần đợi đến hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

    Để xác định vi phạm hợp đồng trước thời hạn, không cần thiết phải có sự tuyên bố không thực hiện hợp đồng của bên kia, mà việc xác định này dựa trên các hoàn cảnh khách quan cũng như hành vi của bên đó không phù hợp với việc thực hiện hợp đồng trong tương lai: khả năng thực hiện nghĩa vụ của người bán bị thu hẹp do bãi công kéo dài trong xí nghiệp của họ, khả năng thanh toán của người mua bị hạn chế –  được thể hiện qua việc họ chậm thanh toán theo những hợp đồng khác; hành vi trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ví dụ,  khi người mua xác định được rằng người bán đã giao cho các khách hàng khác thiết bị đồng bộ cho cùng mục đích sử dụng kém phẩm chất. Bên ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do nghi ngờ khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho phía bên kia, và phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu phía bên kia đảm bảo bằng văn bản sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình. Và cũng như đã trình bày sơ lược ở phần 2, thì chúng ta cũng thấy được hai luồn quan điểm khác nhau, nói chính xác hơn là đối lập nhau xoay quanh học thuyết này:

     Một là, những người phản đối học thuyết cho rằng, về logic không thể có sự vi phạm trước khi thời hạn chưa đến. Một người, theo hợp đồng phải thực hiện một công việc nào đó khi xảy ra một sự kiện hay một thời hạn xác định, thì trong mọi trường hợp không thể bị coi là vi phạm hợp đồng khi sự kiện đó chưa xảy ra, hay thời hạn được ấn định chưa đến. Khi phê phán học thuyết về vi phạm hợp đồng trước thời hạn, họ nói rằng, cấu trúc của học thuyết hoàn toàn không logic, và hoàn toàn không công bằng đối với người vi phạm, không có hành vi vi phạm hợp đồng thực tế mà chỉ là sự vi phạm một trong những nghĩa vụ phái sinh từ nghĩa vụ hợp đồng. Và như vậy, nó không những trái với nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng, mà còn không công bằng với bên vi phạm, bởi vì nó bắt buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về những nghĩa vụ mà họ chưa buộc phải thực hiện.

    Hai là, về phía những người ủng hộ cho rằng, cơ sở lý luận của học thuyết là trong hợp đồng có những nghĩa vụ phái sinh từ nghĩa vụ hợp đồng, và sự vi phạm những nghĩa vụ này làm phát sinh một số quyền của bên có nguy cơ bị thiệt hại. Hậu quả của đe doạ gây thiệt hại và hậu quả của nguy cơ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cần phải được pháp luật dành cho sự quan tâm thích đáng như nhau. Hơn nữa, khi có vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền lợi không có quyền huỷ hợp đồng ngay tức thì mà muốn huỷ hợp đồng cần phải tuân thủ một số điều kiện nhất định. Chính vì vậy, một số quốc gia ủng hộ đã đưa học thuyết này vào hệ thống pháp luật của nước mình. Ví dụ, Điều 2-609 Bộ luật Thương mại thống nhất của Hoa Kỳ( UCC) quy định, nếu người mua có cơ sở nghi ngờ người bán sẽ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình thì người mua có quyền yêu cầu người bán bằng văn bản bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu có cơ sở của người mua mà người bán không đưa ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, người mua có quyền hủy hợp đồng trước thời hạn và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cùng theo đó, tại bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế có quy định: Một bên có căn cứ để hủy hợp đồng nếu, trước thời hạn, rõ ràng sẽ có việc không thực hiện chủ yếu từ phía bên kia(4) . Cũng như trong công ước Viên 1980 quy định như sau: “Một bên có thể ngừng việc thực hiện nghĩa vụ của mình nếu có dấu hiệu cho thấy rằng sau khi hợp đồng được ký kết, bên kia sẽ không thực hiện một phần chủ yếu những nghĩa vụ của họ bởi lẽ: Một sự khiếm khuyết nghiêm trọng trong khả năng thực hiện hay trong khi thực hiện hợp đồng; Cung cách sử dụng của bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hay trong khi thực hiện hợp đồng. Nếu người bán đã gửi hàng đi khi phát hiện những lý do nêu trong khoản trên, họ có thể ngăn cản không để hàng hóa được giao cho người mua ngay cả nếu người nàygiữ trong tay chứng từ cho phép họ nhận hàng. Mục này chỉ liên quan đến các quyền của người mua và người bán đối với hàng hóa.  Một bên nào ngừng việc thực hiện hợp đồng, không phụ thuộc vào việc đó xảy ra trước hay sau khi hàng gửi đi, thì phải gửi ngay một thông báo về việc đó cho bên kia và phải tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu bên kia cung cấp những bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện nghĩa vụ của họ(5).

    Theo công ước Viên 1980, một trong các bên có thể ngừng việc thực hiện nghĩa vụ của mình sau khi hợp đồng được ký kết nếu có cơ sở cho rằng bên kia sẽ không tực hiện phần lớn nghĩa vụ của mình do: một sự khiếm khuyết nghiêm trọng trong khả năng tài chính; hành vi của phía bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hay trong khi thực hiện hợp đồng. Để đảm bảo quyền lợi của người bán biết được những tình huống nói trên mà hàng đã dược xếp lên tàu hay phương tiện vận tải nào khác thì người bán có thể cản trở việc giao hàng, ngay cả khi người bán đã có chứng từ cho phép nhận hàng.

    Chúng tôi cho rằng, pháp luật Việt Nam và pháp luật nhiều nước Châu Âu lục địa một cách gián tiếp đã ngăn cản người mua áp dụng một trong các biện pháp hợp lý để ngăn ngừa thiệt hại. Trong khi đó, pháp luật nói chung đều quy định rằng, trong mọi trường hợp bên bị vi phạm có nghĩa vụ áp dụng những biện pháp ngăn chặn tổn thất. Trong trường hợp, một bên có cơ sở để nghi ngờ rằng, phía bên kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng đã không sử dụng quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn gây thiệt hại lớn hơn, Toà Án có thể viện dẫn đến việc bên bị thiệt hại đã không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại, và đối với bên bị thiệt hại rõ ràng là không công bằng. Vì vậy, không thể hiện được một cách cụ thể nguyên tắc trung thực thiện chí trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Khi có căn cứ xác đáng để cho rằng, người bán khi đến thời hạn thoả thuận sẽ không thực hiện, hay thực hiện không đúng nghĩa vụ giao hàng phù hợp với điều kiện của hợp đồng, thế nhưng người mua không có bất kỳ một hành vi nào để cùng người bán khắc phục tình thế, mà lại thụ động ngồi chờ thì như vậy, liệu hành vi ngồi chờ đó của người mua có được coi là sự thể hiện thiện chí hay không? Về mặt pháp luật, việc ngồi chờ đó không trái pháp luật, tuy nhiên dưới gốc độ đạo đức kinh doanh, liệu hành vi ngồi chờ có được khuyến khích hay không?

    Nhóm chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tiến sĩ Dương Anh Sơn rằng: quy định của pháp luật Anh – Mỹ, cũng như của công ước Viên 1980 về vi phạm hợp đồng trước thời hạn là thật sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng, và hoạt động thương mại quốc tế nói chung(6).

    4.Thực tiễn của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với vi phạm hợp đồng khi chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ ở Việt Nam

    Ở Việt Nam, loại vi phạm hợp đồng trước thời hạn hay vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ không được pháp luật quy định một cách trực tiếp. Trong thực tế, có thể xảy ra trường hợp sau khi ký kết hợp đồng và trước khi hết thời hạn thực hiện, một bên thấy rằng bên kia có nguy cơ không thực hiện tốt hợp đồng. Theo Điều 415, khoản 1 Bộ luật dân sự, “bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ hay có sự bảo lãnh của người thứ ba”. Như vậy, khi có nguy cơ không thực hiện hợp đồng do một bên có tài sản bị giảm sút nghiêm trọng, bên phải thực hiện trước có quyền hoãn thực hiện hợp đồng. Nếu những quy định của Bộ luật dân sự chỉ dừng lại ở đó thì liệu rằng có giải quyết được bản chất của vấn đề hay không? Câu trả lời là không bởi thực tế có nhiều vấn đề bất cập. Xin đưa ra một vụ tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam như sau:

    Ngày 28.08.2003, công ty xuất nhập khẩu Hà Thành ký hợp đồng với công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu để mua giấy Kraft làm vỏ bao xi măng. Ngày 15.4.2004, 2 bên ký phụ lục hợp đồng, trong đó có thỏa thuận thời gian giao hàng là trong vòng 2 tháng kể từ  ngày 25.4.2004. Thực hiện hợp đồng nói trên, công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu đã nhập về 310.712 tấn giấy Kraft. Sau đó công ty này liên tục gởi văn bản yêu cầu công ty Hà Thành tiêu thụ hết lô hàng đã nhập về. Nhưng ngày 6.5.2004 và ngày 20.5.2004, công ty Hà Thành đã có trả lời là không thể tiêu thụ hết số giấy đó trong thời hạn 2 tháng như quy định trong phụ lục hợp đồng. Ngày 19.05.2004, công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu đã ký hợp đồng bán số giấy còn lại đã bán cho công ty Hà Thành  cho một công ty khác. 18.05.2004, công ty Hà Thành nộp đơn khởi kiện lên Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu phải trả số tiền đặt cọc còn lại cho công ty Hà Thành.

               Trong vụ tranh chấp trên, thời hạn giao hàng là 2 tháng kể từ  ngày 15.04.2004. Như vậy ngày hết hạn hợp đồng là ngày 15.04.2004. Tuy nhiên, ngày 6.05.2004, và ngày 20.05.2004, bên mua đã có công văn trả lời là không thể tiêu thụ hêt số giấy đúng thời hạn như  trong thỏa thuận. Và thực tế bên mua đã không tiêu thụ hết số giấy. Như  vậy, đã có cơ sở khẳng định rằng bên mua không thực hiện đúng hợp đồng, vì vậy công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu đã ký hợp đồng bán số giấy đó cho một công ty khác.

                 Có thể tìm thấy một hay một số quy định nào đó trong pháp luật Việt Nam để giải quyết tình huống trên hay không? Trong trường hợp này, không thể áp dụng các quy định của pháp luật về đình chỉ, tạm ngừng hay hủy hợp đồng được quy định trong Luật thương mại, bởi vì việc áp dụng các chế tài nói trên chỉ có thể áp dụng khi có sự vi pham cơ bản hợp đồng và sự vi phạm đó phải thực tế, tức là khi đã hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Trong khi đó, ở đây hoàn toàn chưa có sự vi phạm thực tế mà chỉ là sự dự đoán dựa trên những cơ sở xác đáng. Trong tình huống này có thể áp dụng Điều 415 Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên quy định này chỉ cho phép bên có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình và trong trường hợp bên có quyền phải đợi đến hết thời hạn thỏa thuận mới có thể áp dụng chế tài hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu muốn hủy hợp đồng phải chờ cho đến khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Việc ngồi chờ này sẽ gây tổn thất lớn hơn nhiều so với việc hủy hợp đồng

    Trong vụ tranh chấp này, Tòa án đã cho hành động ký hợp đồng bán số giấy còn lại cho một công ty khác là vi phạm hợp đồng  khi tự xử lý số giấy đó và buộc công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu phải trả lại số tiền đặt cọc cho công ty Hà Thành. Việc giải quyết như  vậy là  ”phù hợp” với pháp luật Việt Nam tại thời điểm hợp đồng được giao kết và tại thời điểm xét xử. Tuy nhiên việc giải quyết đó là không thuyết phục, sự  “phù hợp’ này đã gây ra sự bất công cho bên bị vi phạm. Trong vụ tranh chấp này, trước khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng, bên mua đã thể hiện không thực hiện hợp đồng và việc không thực hiện này đã thực sự xảy ra khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Mặc dù vậy việc bên bán tự  ý giải quyết số hàng này lại bị coi là vi phạm hợp đồng. Điều này thật là không công bằng khi không cho phép một bên hủy hay chấm dứt hợp đồng trong trường hợp biết chắc là bên kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ. Hơn nữa ta thấy rằng việc cho phép hủy hợp đồng trong trường hợp này là có lợi về kinh tế. Việc hủy hợp đồng trong trường hợp này sẽ giúp công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu có thể giảm thiệt hại hơn nhiều lần so với việc ngồi chờ cho đến khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Việc cho phép hủy hợp đồng trong trường hợp này giúp công ty trên có thể sớm tìm được người mua mới để giải quyết tình trạng tồn đọng hàng và hạn chế được tổn thất.

    Vậy liệu pháp luật Việt Nam chúng ta có  cần các quy định điều chỉnh loại vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ không?

    Thực tế cho thấy việc điều chỉnh loại vi phạm này là hoàn toàn cần thiết bởi những lý do sau:

    Việc điều chỉnh bằng  pháp luật loại vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ là việc cụ thể hóa được một trong  những nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng, đó là nguyên tắc trung thực, thiện chí trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng và hạn chế được rủi ro . Ta thấy rằng nguyên tắc trung thực thiện chí rất quan trọng nhưng ở pháp luật hợp đồng của Việt Nam chỉ dừng lại ở những quy định mang tính chất chung chung, và  tồn tại một cách hình thức, khó đi vào cuộc sống. Đưa quy định điều chỉnh loại vi phạm này có thể cụ thể hóa được nguyên tắc trung thực thiện chí này. Ví dụ: Người mua là công ty A, ký hợp đồng với người bán là công ty B vào  ngày 1.8.2010. Theo hợp đồng thì công ty B có nghĩa vụ giao hàng cho công ty A vào ngày 20.10. Ngày  10.8.2010, A thanh toán cho B 50% giá trị của hợp đồng. Vào đầu tháng 10, A biết được rằng có 2 công ty là C và c cũng ký hợp đồng với B, và nhận được số hàng với chất lượng không phù hợp với điều kiện hợp đồng. Trong trường hợp này A có cơ sở để biết được rằng B sẽ không giao hàng theo thỏa thuận.

    Trong trường hợp này theo pháp luật Việt nam, người mua không được hủy hợp đồng  và khó có thể ký hợp đồng thay thế. Như vậy,việc pháp luật Việt Nam quy định bên thực hiện nghĩa vụ trước được quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình và chờ cho đến khi bên thực hiện nghĩa vụ sau có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh mà không được phép hủy hay chấm dứt hợp đồng là không hợp lý. Khi một bên dựa trên những cơ sở xác đáng mà biết chắc chắn rằng bên kia sẽ không thực hiện được hợp đồng hoặc thực hiện không đúng hợp đồng khi đến thời hạn thực hiện nhưng không được phép hủy hợp đồng lại không dám ký kết một hợp đồng khác tương tự để thay thế vì sợ rằng không biết đến thời hạn thực hiện hợp đồng bên kia có giao hàng đúng theo hợp đồng hay không. Nếu đến hạn thực hiện hợp đồng mà bên kia giao đúng như thỏa thuận thì không nói làm gì nhưng nếu không giao đúng như thỏa thuận thì việc buộc bên bị vi phạm phải ngồi chờ đến ngày thực hiện hợp đồng của bên kia như đã thỏa thuận nhưng lại không có kết quả gì là một điều vô ích. Nó không những không đem lại lợi ích cho bên bị vi phạm mà còn làm tốn thời gian và có khả năng đem lại thiệt hại nặng nề hơn. Đối với những nhà kinh doanh thì thời gian chính là tiền bạc. Việc chờ đợi cho đến ngày thực hiện hợp đồng đã làm mất khá nhiều thời gian và tất nhiên là cũng sẽ đem lại không ít tổn thất.

    Việc không cho phép hủy hay chấm dứt hợp đồng trong trường hợp vô hình chung một cách gián tiếp đã ngăn cản người bị vi phạm áp dụng một trong các biện pháp hợp lí để ngăn chặn tổn thất trong khi tại Điều 305 Bộ luật thương mại năm 2005 có quy định nghĩa vụ hạn chế tổn thất “ Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lí để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó thì, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đán lẽ có thể hạn chế được”. Trong trường hợp một bên đã biết chắc chắn rằng bên kia không thể thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn, nếu pháp luật cho phép họ được hủy hợp đồng và ký kết một hợp đồng vời một đối tác khác là một biện pháp hiệu quả để họ ngăn chặn thiệt hại cho chính mình cũng như giảm mức bồi thường thiệt hại cho bên kia. Nếu là người mua, họ sẽ nhanh chóng tìm được người bán mới để có số lượng hàng cần mua đáp ứng cho nhu cầu của mình. Còn nếu là người bán thì họ cũng đi tìm người mua khác để bán hàng, tránh được tình trạng tồn kho và tiếp tục sản xuất. Thiết nghĩ đó cũng là một biện pháp hợp lý và hiệu quả mà bên bị vi phạm có thể lựa chọn nhằm hạn chế tốn thất như quy định của pháp luật khi mà biết chắc rằng bên kia không thể thực hiện hợp đồng đã ký kết với mình khi đến thời hạn thực hiện. Như thế sẽ hợp lý và công bằng hơn đối với bên bị vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ tốt hơn lợi ích của họ.

     Việc buộc một bên phải chờ đợi thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra với mình mà không cho phép họ được hành động trong khi họ hoàn toàn có thể nhằm ngăn chặn thiệt hoặc giảm bớt thiệt hại đó là một điều hết sức phi lý và không thuyết phục. Hơn nữa việc ngồi chờ đợi như thế có được coi là sự thể hiện thiện chí hay không. Việc ngồi chờ như thế về mặt pháp luật không có gì là sai trái nhưng liệu rằng dưới góc độ đạo đức kinh doanh thì nó có nên được khuyến khích hay không.Thiết nghĩ việc buôc một bên ngồi chờ cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện cho đến thời hạn thực hiện hợp đồng là không nên và không cần thiết . Điều đó không chỉ làm mất thời gian một cách vô ích mà còn có thể khiến cho thiệt hại ngày càng tăng lên. Thay vì ngồi chờ, nếu pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi pham được phép hủy hợp đồng và ký kết hợp đồng thay thế sẽ hạn chế một cách tối đa thiệt hại.

    Như vậy, với những ưu điểm của việc hủy hợp đồng và được phép ký kết hợp đồng khác thay thế trong trường hợp một bên vi pham nghĩa vụ khi chưa đến thời hạn thưc hiện nghĩa vụ, thiết nghĩ pháp luật Việt Nam cũng nên quy định tương tự như pháp luật của các nước Anh, Mỹ… Tức là cho phép bên bị vi pham được quyền hủy và ký kết hợp đồng thay thế. Việc quy định như thế là hết sức phù hợp và cần thiết. Trong xu thế tự do hóa thương mại như hiện nay,không thể không dẫn đến quá trình hài hòa các hệ thống pháp luật. Điều này thể hiện ở chỗ, các văn bản pháp luật pháp lý quốc tế thường được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa các hệ thống pháp luật. Chúng ta cần phải quy định như trên vì ngày càng có nhiều hợp đồng được ký kết giữa một bên là Vệt Nam và một bên là đối tác nước ngoài. Trong trường hợp này mặc dù các bên có thể lựa chọ luật áp dụng là pháp luật của Anh, Mỹ hay bất kì nước nào có quy định về “vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ” nhưng nếu pháp luật Việt Nam cũng có những quy định về vấn đề này như các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thì có thể các đối tác nước ngoài có thể yên tâm hơn khi ký kết hợp đồng với bên đối tác phía Việt Nam vì dù sao đi nữa cũng có sự tương thích pháp luật ở đây. Hơn nữa, muốn có sự phát triển thì cần phải có sự cân bằng lợi ích. Muốn pháp luật hợp đồng phát triển thì cần phải có sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong hợp đồng. Việc pháp luật quy định một bên có thể hủy hợp đồng và được ký kết một hợp khác thay thế với đối tác khác khi có cơ sở xác đáng đẻ cho rằng họ không thể nào thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng hợp đồng khi đến thời hạn là một quy định đảm bảo sự cân bằng lợi ích của hai bên (bên vi phạm và bên bị vi phạm).

    Nhưng vấn đề cần lưu tâm nữa là làm thế nào để bên có quyền không lạm dụng quyền đó của mình để gây thiệt hại cho bên kia. Để tránh trường hợp này, nhóm chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Dương Anh Sơn. Theo ông thì: “Pháp luật cần có những quy định rõ ràng rằng, vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ không phải là căn cứ cho phép bên có quyền áp dụng chế tài hủy ngay hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại ,nó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa là điều kiện đủ đẻ cho phép bên có quyền thực hiện quyền nói trên . Bên có quyền chỉ có thể hủy hợp đồng khi có đủ các yếu tố sau: Thứ nhất, nguy cơ vi phạm hợp đồng của phía bên kia phải có cơ sở xác đáng, không những thế mà còn phải là nguy cơ vi phạm nghĩa vụ cơ bản, bởi vì chế tài hủy hợp đồng chỉ được áp dụng khi có sự vi phạm hợp đồng cơ bản mà thôi. Thứ hai, cần phải thông báo cho bên kia biết được lý do hủy hợp đồng của mình. Trong trường hợp bên được thông báo đưa ra cam kết thực hện nghĩa vụ khi đến thời hạn thực hiện thì bên có quyền không thể hủy hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu nghĩa vụ không được thực hiện thì bên vi phạm không được viện dẫn đến nghĩa vụ hạn chế tổn thất.” Với quy định chặt chẽ như trên thì bên bị vi phạm khó có thể mà lạm dụng quyền của mình để gây tổn thất cho bên kia. Và như thế nó không chỉ đảm bảo quyền lợi cho bên có nghĩa vụ mà còn đảm bảo quyền lợi cho bên vi phạm.

    KẾT LUẬN

    *****

    Từ những gì đã trình bày ở trên chúng ta có thể thấy được những ưu điểm của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với “vi phạm hợp đồng trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”. Chúng tôi thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam nên tiếp thu những điểm tiến bộ của thuyết “vi phạm hợp đồng trước thời hạn” là điều hoàn toàn cần thiết, hay chuẩn xác hơn là vô cùng cấp thiết hiện nay. Bởi lẽ, nếu có sự quy định “mới” như thế thì sẽ bổ sung được khiếm khuyết mà pháp luật hợp đồng nước nhà còn “để trống” lâu nay, góp phần cho việc hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam, phù hợp với thực tiễn thương mại, và hơn thế nữa là đưa pháp luật nước nhà sít lại gần hơn với pháp luật quốc tế, phù hợp với “sân chơi” WTO. Đồng cùng với những ưu thế trên thì còn giúp nguyên tắc tận tâm, thiện chí, trung thực được đi vào “cuộc sống hợp đồng”; nó giúp các doanh nghiệp Việt Nam làm quen dần với “thuyết mới” này và thông qua đó các doanh nghiệp của nước nhà sẽ chủ động hơn trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế với các đối tác thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau.

             Đồng thời với việc pháp luật nước nhà sẽ có được nét tương thích với pháp luật quốc tế khi có sự thay đổi như trên. Nếu vậy, đó là hành lang pháp lý thông thoáng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Khi đấy, không những doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận từ hợp đồng thương mại quốc tế, mà nền kinh tế nước nhà cũng tăng trưởng vững bền. Vậy không có lý do gì để phủ nhận thuyết “vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Ø  Phần trích dẫn

    (1)  Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005

    (2)  http://en.wikipedia.org/wiki/Hochster_v_De_La_Tour

    (3)  Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2009, trang 101

    (4)  Điều 7.3.3 Nguyên tắc UNIDROIT

    (5)  Điều 71 Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về buôn bán hàng hóa quốc tế

    (6)  Dương Anh Sơn, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2006.

    Ø  Các văn bản tham khảo

    (7) Bộ luật dân sự năm 2005

    (8) Luật thương mại năm 1997

    (9) Luật thương mại năm 2005

    (10) Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về buôn bán hàng hóa quốc tế

    (11) Bộ nguyên tắc UNIDROIT

    (12) Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2009

    (13) Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật – Trường đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản công an nhân dân – 2008

    (14) Và nhiều nguồn tài liệu khác.

    Phạm Thanh Hữu (29/3/2011)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 13/11/2012 11:28:23 CH
     
    30317 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    kihlinbin@gmail.com (27/02/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #383333   15/05/2015

    "Có thể tóm lược vụ kiện này như sau: Vào tháng tư năm 1852, De La Tour đồng ý thuê Hochster như người chuyển phát của ông trong ba tháng kể từ ngày 1/6/1852 cho một chuyến đi vòng quanh châu Âu. Ngày 11/5, De La Tour sa thải Hochster và bác bỏ hợp đồng. Ngày 22/5, Hochster đưa đơn kiện. Lập luận của nguyên đơn (Hochster) là, sự từ bỏ của bị đơn là một hành vi vi phạm hợp đồng và nguyên đơn cần phải được bồi thường thiệt hại. Còn lập luận của bị đơn (De La Tour) rằng,  Hochster vẫn phải ở lại để chuẩn bị thực hiện một nghĩa vụ đã đến thời hạn, do đó ông ta không thể làm việc này được. Nên có thể nhận thấy hành vi của Hochster là vi phạm hợp đồng trước ngày thực hiện hợp đồng. Kết quả của vụ kiện trên là thẩm phán bác đơn của nguyên đơn."

    --> Theo link trên wikipedia mà tác giả bài viết chú thích, mình có đọc về vụ kiện này, theo đó thì kết quả vụ kiện

    là nguyên đơn thắng chứ không phải "thẩm phán bác đơn của nguyên đơn".

    Cụ thể là trong phần Judgement

    Lord Campbell CJ held that Hochster didn't need to wait until the date performance was due to commence the

    action and awarded damages.

    Và cuối phần này có kết luận: "Judgement for plantiff".

    Mong tác giả xem lại nhé!

    Cập nhật bởi chapitim ngày 15/05/2015 09:23:54 SA chỉnh cỡ chữ
     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn chapitim vì bài viết hữu ích
    kihlinbin@gmail.com (16/05/2021)