Chào bạn.
Xin được trao đổi với bạn
một số ý như sau:
1.
Tài sản chung của cha mẹ gồm tài sản do cha, mẹ tạo ra, thu nhập do lao động,
hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của cha mẹ trong
thời kỳ hôn nhân; tài sản mà cha mẹ được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung
và những tài sản khác mà cha mẹ thoả thuận là tài sản chung.
Quyền
sử dụng đất mà cha mẹ có được sau khi kết hôn là tài sản chung của cha mẹ.
Quyền sử dụng đất mà cha hoặc mẹ có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng
chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Trong
trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản nào của cha, tài sản nào của mẹ
là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài
sản chung (khoản 1, 3 điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình) và cha, mẹ
có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong
việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (khoản 1 điều 28 Luật Hôn nhân
và Gia đình).
Di sản bao gồm tài sản riêng của người
chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (theo điều
634 Bộ luật Dân sự).
2. Theo qui định tại điểm 2.4 nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày
10-8-2004 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao, sau khi kết thúc thời hạn 10 năm
mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản
do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các
đồng thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu
tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp
dụng các qui định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
3. Vì đất do người chết để
lại có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của
Luật Đất đai năm 2003 (sổ địa chính của địa
phương mang tên của bố ông A) khi có
tranh chấp về thừa kế thì thuộc thẩm quyền của Tòa án dù trên đất có nhà hay không có nhà (theo mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).
4. Mọi quyết định liên quan đến việc quyền sử dụng đất
và tài sản trên đất đã được xem là đất hương hoả dành để thờ cúng cha mẹ ông bà
tổ tiên đều phải được thông qua và đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. Không một
ai trong các đồng thừa kế có quyền đơn phương thực hiện việc chuyển nhượng hay
thế chấp khối tài sản chung nếu không được sự cho phép của những người còn lại.
5.
Trình tự, thủ tục chung về thừa kế quyền sử dụng đất, được pháp luật quy định như
sau:
5.1 Người nhận thừa kế nộp 1 bộ hồ sơ
gồm có:
- Di chúc; biên bản phân chia thừa kế; bản án, quyết định giải
quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của TAND đã có hiệu lực pháp luật;
đơn đề nghị của người nhận thừa kế đối với trường hợp người nhận thừa kế là
người duy nhất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc một trong các
loại giấy tờ về QSDĐ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai (nếu
có).
5.2 Việc đăng ký thừa kế được thực hiện như sau:
(Theo Điều 151 Nghị định 181/NĐ – CP ngày 20-10-2004 của Chính
phủ về thi hành Luật Đất đai)
- Trong thời hạn không quá 4 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký QSDĐ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm
trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa
vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp hoặc thực hiện thủ
tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận.
- Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
thông báo nghĩa vụ tài chính, Văn phòng Đăng ký QSDĐ hoặc UBND xã, thị trấn nơi
có đất có trách nhiệm thông báo cho bên nhận thừa kế QSDĐ thực hiện nghĩa vụ
tài chính theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày bên nhận
thừa kế QSDĐ thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng Đăng ký QSDĐ hoặc UBND
xã, thị trấn nơi có đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận QSDĐ.
Thân.