Chào bạn,
Với các thông tin mà bạn đã cung cấp, tôi đưa ra tư vấn như sau:
Thứ nhất, để xem xét người giả mạo chữ ký có phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi giả mạo chữ ký của mình hay không, tôi xin phân tích như sau:
1. Về trách nhiệm dân sự: Bộ luật Dân sự năm 2005 không tồn tại quy định về trách nhiệm dân sự khi có hành vi giả mạo chữ ký của người khác.
2. Về trách nhiệm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cùng các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính không quy định trách nhiệm hành chính đối với hành vi giả mạo chữ ký để làm đơn kiến nghị.
3. Về trách nhiệm hình sự: Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 có quy định về Tội giả mạo trong công tác như sau:
"1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn".
Để xác định người giả mạo có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giả mạo chữ ký hay không, phải xác định trong 2 trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:
Một là, người giả mạo là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký.
Hai là, người có chữ ký bị giả mạo là người có chức vụ, quyền hạn.
+ Trường hợp 2: Không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu rơi vào một trong các giả thiết sau:
Một là, người giả mạo là người không có chức vụ, quyền hạn và người bị giả mạo là người có chức vụ, quyền hạn.
Hai là, người giả mạo là người không có chức vụ, quyền hạn và người bị giả mạo cũng là người không có chức vụ, quyền hạn.
Ba là, người giả mạo là người có chức vụ, quyền hạn và người bị giả mạo là người không có chức vụ, quyền hạn.
Từ đó có thể thấy đối tượng trong trường hợp của bạn thuộc trường hợp thứ 2, vì người giả mạo chữ ký và người bị giả mạo chỉ là công dân bình thường, không phải là người có chức vụ, quyền hạn nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 285 BLHS 1999.
Thứ hai, để có thể xác định được hành vi viết đơn kiến nghị của người nhân viên cũ có gây mất uy tín, gây rối an ninh trật tự của công ty hay không thì bạn phải có những minh chứng cụ thể thì mới có thể đưa ra kết luận được. Vì để xác định được động cơ, mục đích thì phải cần căn cứ vào nội dung của đơn, tần suất gửi đơn và những hành động bên cạnh như việc gửi đơn rêu rao khắp nơi gây ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh công ty,…
Như vậy, với trường hợp này, vì đây là vấn đề nội bộ giữa nhân viên cũ và công ty nên hai bên sẽ tự thỏa thuận để đưa ra phương án giải quyết, cụ thể là phía công ty có thể bác bỏ 3 đơn kiến nghị đó với lý do đây là đơn từ giả mạo. Còn bên nhân viên cũ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) vì đã gây mất uy tín, an ninh trật tự của công ty (trong trường hợp bên công ty có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm đó)
Trịnh Bình An | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 3.2899.888 - E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1- Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN
CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.