Với câu hỏi này, Công ty Luật Hải Nguyễn xin tư vấn cho bạn như sau :
Tất cả mọi vấn đề về kiểm soát trong công ty Cổ phần được quy định trong 7 điều Luật Doanh nghiệp năm 2014, từ Điều 163-169 của Luật này.
Theo đó, Ban kiểm soát trong công ty cổ phần có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của công ty, cụ thể :
Nếu tạm coi Công ty cổ phần là một “nhà nước” thu nhỏ, thì đại hội đồng cổ đông đóng vai trò là cơ quan lập pháp - nơi quyết định phương hướng phát triển và những vấn đề trọng đại khác của công ty; Hội đồng quản trị và Ban giám đốc được coi là cơ quan hành pháp - nơi điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày; còn Ban kiểm soát đóng vai trò của cơ quan tư pháp - có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.
Cách ví von này có thể giúp chúng ta dễ mường tượng ra vai trò của Ban kiểm soát trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong Công ty cổ phần, nhất là trong vai trò “kiềm chế và đối trọng” với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Ban kiểm soát, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu , thứ nhất là sự phức tạp trong quá trình quản lý công ty và quan hệ giữa các cổ đông; và thứ hai sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp Công ty cổ phần.
Khi quy mô các Công ty cổ phần nhỏ, số lượng cổ đông ít, thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông thường đồng thời là người điều hành công ty, tức là Đại hội đồng cổ đông sẽ đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, khi quy mô công ty lớn hơn, số lượng cổ đông nhiều hơn, sự điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp và do đó, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Từ đây, người điều hành trực tiếp công ty có thể không đồng thời là chủ sở hữu công ty nữa.
Mối lo ngại của các cổ đông - người sở hữu thực sự của công ty - về việc điều hành công ty của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc là một mối lo ngại chính đáng và có cơ sở. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự ra đời của Ban kiểm soát. Theo điểm a khoản 1 Điều 134, Luật Doanh nghiệp hiện hành, Ban Kiểm soát sẽ phải được thành lập khi công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty.
Với các chức năng được quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty, Ban kiểm soát thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Ban giám đốc (giám đốc hoặc tổng giám đốc) trong việc quản lý và điều hành công ty, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính cũng như thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị.
Như đã nêu ở trên, với chức năng là một “cơ quan tư pháp” trong một “nhà nước thu nhỏ”, để có thể giám sát Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, Ban kiểm soát cần phải độc lập. Sự độc lập này cần được thể hiện trong việc thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát. Thông qua việc thực hiện chức năng của mình, BKS sẽ đảm bảo rằng các quyết định của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc là phù hợp với pháp luật, với các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Chính vai trò bảo vệ cổ đông, bảo vệ nhà đầu tư là lý do cho sự ra đời, tồn tại và hoạt động của Ban kiểm soát.
Trên đây là những giải đáp của công ty luật Hải Nguyễn cho những thắc mắc của bạn.
Công Ty Luật Hải Nguyễn và cộng sự - Hotline: 0973.509.636
Website: www.lamchuphapluat.vn - Email: luathainguyen@gmail.com