Phục hồi kinh tế TP. HCM sau ngày 15/9 - Minh họa
UBND TP. HCM đang soạn thảo Kế hoạch Phục hồi kinh tế tại thành phố nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Tiến độ triển khai thực hiện của Kế hoạch này dự kiến gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (Từ khi kế hoạch được ban hành đến 31/12/2021): Triển khai các giải pháp tập trung cần làm ngay, không nóng vội nhưng không quá thận trọng, cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
- Giai đoạn 2 (Từ 1/1/2022 trở đi): Đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế (tiêm vắc-xin 2 mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, giải quyết tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19, giảm thiểu số ca chuyển nặng), tiến đến khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế (vẫn tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của ngành y tế về bảo đảm an toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh)
Về các giải pháp cụ thể, UBND thành phố giao sở Công thương Phối hợp Sở Y tế khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy chuẩn hoạt động các ngành nghề, có thể xây dựng lộ trình mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh dần cho phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất. kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị (không yêu cầu doanh nghiệp triển khai các mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm) và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng chống dịch. Khi xây dựng cần lưu ý đối tượng kinh doanh hộ gia đình, lao động tự do (đây là các đối tượng dễ bị tổn thương khi kinh tế tạm ngưng do dịch bệnh).
Dự thảo Kế hoạch còn đính kèm phụ lục tham khảo về Phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 15 tháng 9 năm 2021 do Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đề xuất.
Theo đó, sẽ có các biện pháp khẩn cấp để mở cửa trở lại khi tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin còn thấp, đó là áp dụng Mô hình tái khởi động sản xuất theo lộ trình với 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Mở lại theo giai đoạn. Bắt đầu với các DN đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ. Hơn nữa, để đảm bảo an toàn, số lượng NLĐ trong giai đoạn này nên được giới hạn (ví dụ như 30% so với bình thường) và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2.
- Ngay khi các DN/nhà máy đã sẵn sàng phương án bước vào giai đoạn 1 và nhận được sự chấp thuận của Chính quyền, họ có thể bắt đầu ngay lập tức.
- DN có thể xin mở cửa trở lại bất cứ khi nào họ sẵn sàng. Khi DN nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, họ có thể chuyển qua giai đoạn 2. DN không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được rằng hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.
Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%. Các DN/nhà máy có thể tiếp tục Giai đoạn 1 lâu hơn nếu họ muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang Giai đoạn 2.
Giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN/nhà máy chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.
Xem chi tiết Dự thảo tại File đính kèm.