Với sự phát triển của công nghệ hiện nay việc nhiều người lạm dụng và sử dụng sai mục đích là điều phổ biến. Vậy đối với những hành vi quay video chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích tố giác hành vi vi phạm mà không gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý thì có vi phạm pháp luật không và có được xem là tố cáo gián tiếp không?
Theo quy định tại khoản 1, điều 2 Luật tố cáo 2018 thì Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khoản 1, 2 điều 9 Luật tố cáo quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo:
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
…
2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này
Hình thức tố cáo: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
=> Như vậy việc tung clip lên mạng xã hội nhằm tố giác hành vi sai lệch không được xem là tố cáo.
Đối với việc tự ý đăng clip có hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý từ người đó là vi phạm pháp luật theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015
Điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi:
Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với từng tội danh tương ứng.
Quy trình để được tiếp nhận tố cáo:
- Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
- Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.
Cập nhật bởi MinhPig ngày 22/04/2020 09:01:28 SA