Chồng tôi dừng xe tải tại một khu đất trống và dọn đồ buôn bán tại đó có vi phạm pháp luật hay không?
Hiện nay, việc tự ý buôn bán tại các khu đất trống đã trở nên phổ biến và gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan, cản trở giao thông. Vậy hành vi tự ý buôn bán này có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì biện pháp xử lý là gì?
Buôn bán tại khu đất trống vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về việc chiếm đất thì chiếm đất là việc tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức,cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân cho phép. Hành vi dừng xe và buôn bán tại khu đất trống khi không biết đất đó thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ai có thể xem là hành vi chiếm đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 nêu trên. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện việc vi phạm.
Buôn bán tại khu đất trống bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi chiếm đất bị xử phạt hành chính, cụ thể:
- Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình
thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
- Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt có thể từ 3.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích lấn, chiếm.
- Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích lấn, chiếm.
- Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt là từ 10.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng tùy thuộc vào diện tích lấn, chiếm.
- Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các trường hợp trên và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân.
- Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
Như vậy, tùy thuộc vào diện tích chiếm đất và mục đích sử dụng của đất bị chiếm mà người vi phạm ó thể bị phạt hành chính với mức phạt tương ứng. Bên cạnh đó, chồng chị có thể bị buộc khắc phục hậu quả theo các biện pháp tương ứng quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định nêu trên.