Theo khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2023, người tiêu dùng được định nghĩa như sau:
Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại
Ngoài ra, cụ thể tại Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung các đối tượng được xem là người tiêu dùng dễ bị tổn thương như sau:
Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
- Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi
- Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật
- Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em
- Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi
- Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật
- Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng sẽ được pháp luật quy định cụ thể.
(2) Từ ngày 01/07/2024, bổ sung 2 đối tượng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng
Theo Điều 34 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định về bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 Luật BVQLNTD năm 2023. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa
- Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng
- Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nếu nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh ở trên cùng gây thiệt hại thì các bên phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc bồi thường thực hiện theo thỏa thuận và được quy định theo pháp luật về dân sự và quy định khác (khoản 4 Điều 34 Luật BVQLNTD năm 2023)
So với Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2010, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thêm 2 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hoá bị lỗi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thậm chí gây thiệt hại cho người tiêu dùng là:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa
- Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng
Bên cạnh trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thì tổ chức, cá nhân sẽ được miễn bồi thường thiệt hại sẽ được miễn bồi thường trong các trường hợp được quy định tại Điều 35 Luật BVQLNTD năm 2023 như sau:
- Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật BVQLNTD năm 2023, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại
-Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, so với Luật BVQLNTD năm 2010, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thêm trường hợp khi tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp và người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại thì sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung thêm 2 thêm đối tượng là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan sẽ phải bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.