Trong năm 2021, Chính phủ đã triển khai làm và cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn thể người dân.Thông tin lưu trữ trong chip điện tử gồm: Số căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).
Ngoài ra từ năm 2022, khi sử dụng căn cước công dân, mọi người cần tuyệt đối lưu ý những điều sau đây:
1. Sẽ tích hợp thông tin thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế…
Tại
Thông báo 331/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ công an thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Trước mắt, tập trung trong tháng 12 năm 2021 tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.
Ngoài ra trong năm 2022, bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
2. Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân
Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
3. Tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm liên quan đển Căn cước công dân
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không xuất trình thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
+ Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; cụ thể:
Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam
+ Không nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
+ Không nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Chiếm đoạt, sử dụng thẻ Căn cước công dân của người khác;
+ Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ Căn cước công dân;
+ Hủy hoại, cố ý làm hư hỏngthẻ Căn cước công dân.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả thẻ Căn cước công dân;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ Căn cước công dân.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Làm giả thẻ Căn cước công dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Sử dụng thẻ Căn cước công dân giả;
+ Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân;
+ Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ Căn cước công dân;
+ Mượn, cho mượn thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý
-
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
-
Quyết định 06/QĐ-TTg 2022 Đề án phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia