Đây là nội dung mới nhất tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ vừa ký thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Quyết định nêu rõ: Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất và riêng EVN được tăng giá điện tối đa là 5%.
Áp giá điện mới, từ 01/12/2017 giá điện tăng thêm gần 100 đồng, giá bán lẻ bình quân sẽ tăng hơn 6% ở mức 1.720.65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT)
Biểu giá điện sinh hoạt lần này vẫn như gần 4 năm trước, chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao. Có nghĩa, khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá đắt hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất. Tức là gần gấp đôi giá điện bình quân.
Trong đó, khách hàng dùng từ 0-50 “số điện” được hưởng mức giá rẻ nhất là 1.484 đồng/số điện. Trong khi đó, khách hàng dùng từ 401 “số điện” trở lên phải chịu mức giá cao gấp gần 2 lần so với giá bán lẻ điện bình quân, lên tới 2.587 đồng/số điện.
Đây là lần đầu tiên sau 3 năm giá điện chính thức tăng song mức tăng thấp hơn so với đợt tăng 7,5% vào ngày 16/03/2015.
Dùng nhiều thì phải chịu đắt.
Có rất nhiều ý kiến băn khoăn khi nhiều hàng hóa khác dùng nhiều giá càng rẻ, trong khi giá điện thì ngược lại.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, đặt vấn đề giá điện càng dùng nhiều càng đắt, đi ngược lại quy luật thị trường không có gì sai. Nhưng điện là một trong những loại hàng hóa đặc thù. Về cơ bản là điện là sản phẩm không tái tạo, nên nguồn tài nguyên tạo ra điện là khan hiếm, phải có chính sách khuyến khích tiết kiệm.
Ngoài ra, điện không có tồn kho, không chuyển giao từ người tiêu dùng nọ sang người tiêu dùng kia. Mặt khác, thực tiễn nhu cầu tăng trưởng điện rất cao, trong khi nguồn cung chưa đủ nên điện mới càng dùng nhiều giá càng cao.