Những ngày này, núi rừng Tây Bắc vốn đã hùng vĩ, nay lại càng nên thơ và lãng mạn hơn khi những triền ruộng bậc thang lúa đang vào độ chín. Người vùng cao vui với mùa lúa mới, khách phượt trong nước và quốc tế ngược vùng cao để tận hưởng không khí trong lành, được chụp ảnh, quay phim một không gian thuần khiết.
Song những ngày này, nhiều người dân trong cả nước nhói lòng khi nhìn thấy trên truyền thông tử thi được cuốn trong manh chiếu, vắt ngang sau yên xe máy, chở từ viện về nhà với cung đường 80 km, để lộ cả đôi chân trần teo tóp! Trước đó mấy ngày, một tử thi khác cũng được quấn chăn chở từ bệnh viện về. Theo một số người dân vùng cao tỉnh Sơn La, đó là một số hình ảnh hiếm hoi được đưa lên mạng xã hội, còn trước đó, cách vận chuyển như thế đã không có gì lạ.
Những tưởng hình ảnh ấy chỉ có trong thời chiến nghiệt ngã, thiếu thốn: “Áo bào thay chiếu anh về đất” (Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng) hoặc “Ở đây không gỗ ván/Liệm anh trong tấm chăn” (Viếng bạn của nhà thơ Hoàng Lộc). Xa hơn “phận người manh chiếu” gợi nhớ nỗi đau của dân tộc Việt về nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm 2 triệu người chết đói.
Chiến tranh kết thúc mấy chục năm nay, chúng ta được sống trong hòa bình nhưng nhiều bà con các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc vẫn sống trong đói nghèo và bệnh tật. Tây Bắc là vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước. Những lễ hội lòng tòng, mùa hoa tam giác mạch, những phiên chợ tình Khâu Vai, chợ Cán Cấu… thật hấp dẫn và trong sáng. Song phía sau các lễ hội ấy, những bản làng vùng sâu, vùng cao cuộc sống của người dân vẫn thiếu thốn trăm bề. Nhận thức pháp luật hạn chế cho nên việc tảo hôn chưa thể ngăn chặn. Nạn buôn bán chất cấm, buôn bán phụ nữ đang làm nhiều gia đình, nhiều bản làng điêu đứng. Tỷ lệ học sinh đến trường được tăng lên, nhưng thật chạnh lòng khi nhìn những đôi chân trần trẻ thơ đến trường trong giá buốt. Ngay cả bữa cơm trường nội trú cũng quá đạm bạc. Mươi năm trước, nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên lãnh đạo Đài VTV) đã đề xướng chương trình “cơm có thịt” quyên góp từ người hảo tâm giúp trẻ vùng cao. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân góp tiền bạc, đồ dùng chuyển đến tận các bản làng heo hút. Những tấm lòng nhân ái thật đáng trân trọng.
Trong khi cái nghèo đang bị bủa vây, thì ở vùng cao đã và đang xảy ra những câu chuyện buồn. Thảm sát 4 người trong một gia đình ở Lào Cai, súng nổ nơi công đường tỉnh Yên Bái, lời xì xầm về câu chuyện “tám người thân của Bí thư Hà Giang đều làm sếp”… Tất cả những vấn đề nóng nêu trên sẽ được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Song có bao giờ mỗi ta nghĩ: Nguyên nhân sâu xa do đâu đồng bào vùng cao lại chưa thể thoát nghèo? Ta không nên đổ lỗi cho vị trí địa hình dân cư, tập tục sinh sống canh tác từ lâu đời khó thay đổi, nhận thức của người dân hạn chế… Hãy nhìn vào sự thật, đó là sự quản lý đầu tư của Nhà nước đã thật sự đưa lại hiệu quả đích thực chưa. Chúng ta đang chú trọng đầu tư, tạo ra vẻ hoành tráng bề ngoài chứ chưa thật sự đáp ứng, cải thiện cơ bản đời sống của mỗi người dân. Trong khi nhiều người giàu đổ cả núi tiền để xây dựng đền, chùa… Đành rằng những thứ ấy giúp cho con người sự tu thân hướng thiện nhưng có bao giờ họ nghĩ rằng, đối tượng đến chùa, đền phần đa là những người từ trung tuổi trở lên hoặc là đối tượng kinh doanh. Ở vùng sâu, vùng cao học sinh học trong những ngôi trường dột nát, thiếu từ trang vở, cuốn sách đến manh áo. Mà chính lớp trẻ này lại là những công dân tương lai là chủ thể thay đổi diện mạo vùng sâu, vùng cao. Trong khi tiền của Nhà nước còn hạn hẹp, những người giàu nên chăng có cách nhìn nhân ái hơn.
Hơn 60 năm trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiên liệu rằng: “Tây Bắc - Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc”. Hôm nay, Tây Bắc đã thật sự là hòn ngọc chưa, mỗi người tự trả lời và hãy nghĩ về trách nhiệm của mình.
Thế Lữ
Tư vấn thủ tục đầu tư dự án, thành lập doanh nghiệp tại Hà nội, Ninh Bình. Tư vấn thủ tục mua bán nhà đất.
Cung cấp thông tin doanh nghiệp
Mobile: 0983973514 Email: hanoilegal@gmail.com