Chào các bạn,
Trong đời sống của mỗi chúng ta, ta phải lấy chính ta làm chủ, dù việc đó là việc gì. Dù có thầy, dù có người hướng dẫn, ta vẫn phải làm chủ ta. Nghe lời thầy thì ta cũng phải luyện tập, phải lấy kinh nghiệm cho mình, phải suy nghĩ về những kinh nghiệm cho mình, phải quyết định nên làm gì, và cuối cùng phải có con đường riêng của mình.
Như thầy dạy mình vẽ, mình học mọi thứ từ thầy nhưng cuối cùng cách sáng tạo, cách vẽ, điều mà người ta gọi là style, luôn là của riêng mình chẳng của ai cả.
Điều này rất quan trọng, quan trọng hơn nhiều người có thể hiểu, vì đa số mọi người trên thế giới học như vẹt, làm như máy, chẳng suy nghĩ gì. Cứ thầy, cha, giáo hội, đảng phái, vua chúa, quan chức nói gì thì cũng nhắm mắt nghe theo, không suy nghĩ một chút nào. Thầy thật sự sẽ muốn học trò giỏi hơn thầy. Mình chẳng dạy ai mà mong người đó cứ dốt hơn mình mãi, phải có lúc trò khám phá những điều mới mà thầy chưa khám phá ra để dạy. Có như vậy xã hội mới tiến được.
Điều này không chỉ quan trọng cho sự phát triển cá nhân của mỗi chúng ta, mà còn quan trọng cho đất nước. Nếu chúng ta chỉ biết học tụng từ chương, nhai lại lời của người đi trước, thiếu suy tư, và thiếu sáng tạo, thì đất nước cứ mãi là nhược tiểu như hằng ngàn năm nay.
Dân ta học từ chương, rồi khi làm thầy thì dạy từ chương, cứ như thế mà lầm lũi trong bóng tối bao thế hệ. Các bạn, nếu muốn cho đất nước có trí tuệ, mỗi người chúng ta phải có trí tuệ.
Trí tuệ không đến từ đọc sách rồi lảm nhảm mấy từ mới học được trong sách mà trong đầu thì chẳng hiểu mình đang nói gì. Số này là số đông trong thiên hạ, nên nếu bạn thuộc số này thì đừng ngạc nhiên.
Trí tuệ là hiểu. Hiểu là tìm kiếm, hỏi, trả lời bằng suy nghĩ và thực hành. Tất cả những điều này chẳng ai cho bạn được cả, bạn sẽ phải tự làm.
Đọc sách chỉ cho bạn một mớ chữ, nếu bạn không suy nghĩ và phản biện khi cần. Rất nhiều sách viết đầu đuôi không hợp nhất, hoặc tác giả lý luận thiếu logic, hoặc lý luận có vẻ hay nhưng hình như không hợp thực tế. Thì chúng ta thấy, ngay trong việc đọc sách là cả một tiến trình suy nghĩ, phản biện, thắc mắc. Đừng nói là những điều khác như là những vấn đề xã hội, chính trị, tâm linh.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn gặp được thầy siêu thì bạn sẽ siêu, thì hoàn toàn sai. Thầy siêu thì cũng chẳng ăn nhập gì đến cái đầu của bạn. Cùng lắm là thầy dạy bạn cách làm việc hữu hiệu hơn, cách đi sao để tránh lạc đường. Nhưng siêu hay không là hoàn toàn do bạn có tập trung, có thực hành, có thắc mắc, có suy tư không.
Ở đời có hai loại người. Loại làm thầy và loại làm trò. Thầy thì học một biết 10, vì vừa học vừa hỏi luôn luôn. Trò thì học một biết 1 là may, nhiều khi học 1 biết ½, vì học từ chương, không biết thực hành, không biết suy nghĩ.
Các bạn, hãy nhớ điều này: Điều gì bạn muốn cho đất nước thì bạn phải có cho bạn trước. Nếu bạn muốn đất nước có trí tuệ thì bạn phải có trí tuệ.
Sự thật là môn gì cũng vậy, hãy lấy chính mình làm trọng tâm – tự suy tư, tự trải nghiệm, tự kết luận.
Mình chẳng nói là bạn gạt thầy qua một bên. Học gì cũng có thầy thì đỡ cho mình hơn, nhưng thầy là để chỉ đường, mình là người đi đường, không phải thầy đi cho mình.
Trí tuệ không thể có bằng cách nhai lại lời người khác, hay học thuộc lòng. Trí tuệ đến nhờ thực hành, trải nghiệm, thắc mắc, và suy tư.
Văn hóa truyền thống của chúng ta, các bạn đã biết rồi, đó là văn hóa từ chương. Mình gọi đó là văn hóa nô lệ, vì từ chương thì không sáng tạo – thường thì chủ không muốn nô lệ sáng tạo, để chúng nó đần độn dễ trị hơn.
Chúng ta phải thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của văn hóa nô lệ đó. Nói thì dễ, nhưng nếu ta không sáng suốt thì làm rất khó, vì đã quen thói cũ từ trong máu rồi, không dễ để thấy mình sai, cần chỉnh.
Sáng tạo bắt đầu bằng đánh dấu hỏi và suy tư. Sáng tạo đôi khi làm thiên hạ nghĩ là mình mát mát, thiếu bình thường, vì lời bạn nói “không giống ai”, nhưng mọi nhà phát minh và mọi thiên tài đều đã nghe câu đó: “Không giống ai!” Đó là đường đương nhiên của người sáng tạo.
Đất nước chúng ta cần tiến nhanh tiến mạnh. Và điều đó lệ thuộc mỗi chúng ta tiến nhanh tiến mạnh đến đâu.
Chúc các bạn luôn sáng tạo và tiến bước.
Ls Trần Đình Hoành