Ngày 07/02/2013, Thủ Tướng yêu cầu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo tỉ lệ lúa:gạo là 2:1, tức là tương đương 2 triệu tấn lúa.
Theo báo cáo của hiệp hội lương thực Việt Nam là đã hoàn tất việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Nhưng theo tính toán cho thấy, tỉ lệ hao hụt khi xay xát lúa là khoảng 80%, tức là doanh nghiệp thực tế mới chỉ thu mua tạm trữ 1,25 triệu tấn lúa - Anh Tùng, nông dân ở Cần thơ bức xúc cho rằng hiệp hôi lương thực chưa mua đủ theo chỉ tiêu thủ tướng đã giao.
(Nông dân đang bán lúa - Ảnh minh họa)
Với số lượng thu mua tạm trữ như vậy, so với sản lượng lúa thu hoạch của ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 10%, lượng lúa còn lại không có người mua nên giá bị đẩy xuống rất thấp.
Những vấn đề nghịch lý – Cái khó cho người nông dân
Đây là thời điểm giá lúa đang rất thấp, chỉ có người nông dân không có đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ mùa tiếp theo mới phải bất đắc dĩ bán, số tiền từ 10% lượng lúa đã được tiêu thụ sẽ sớm đi vào túi của DN kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất vốn để DN thu mua tạm trữ. Giả sử giá lúa tăng, DN được lợi đôi đường vì vừa được hưởng chênh lệch giá, vừa không mất chi phí lãi suất vốn đầu tư. Hơn nữa giá lúa giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp nhất trong 7 tháng qua, vừa thu mua với giá thấp, vừa được hỗ trợ 100% lãi suất, giá lúa không tăng thì DN chỉ huề vốn hoặc lỗ chút ít. Trong khi đó, dù giá lúa có tăng thì người nông dân vẫn không được lợi vì đã bán.
Giá gạo tiêu thụ nội địa vẫn cao ngất ngưởng: Khảo sát tại một vài điểm bán gạo ở TP.HCM thời điểm đầu tháng 4, giá thấp nhất cũng là 12.000đ/kg. So với giá loại lúa rẻ nhất, ở thời điểm rẻ nhất gần đây là 5000đ/kg, với tỉ lệ hao hụt khi xay xát là 20%, giá gạo đã bị đẩy lên cao 120 % khi tiêu thụ trong nước. Anh Tùng quả quyết: “Nếu có một chiếc xe tải nhỏ, tui tự xay lúa do nhà mình làm ra rồi mang lên quốc lộ 13, Tp.HCM bán cho dân lao động với “giá bình ổn” 10.000đ vẫn có lời nhiều hơn là ở nhà bị thương lái ép giá”.
(Một đại lý gạo ở TP.HCM - ảnh minh họa)
Cần những biện pháp hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ
Từ thực trạng đó trong những năm gần đây, Chính phủ cần có những biện pháp thiết thực, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ 1 phần khó khăn cho người nông dân.
Tất cả các biện pháp như tăng chất lượng sản phẩm gạo; tăng tính cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu gạo khác; mở rộng thị trường xuất khẩu gạo ra khắp thế giới là những biện pháp phải được ưu tiên làm trước và làm một cách thực sự quyết liệt để có thể tăng giá thành đầu ra cho lúa gạo Việt Nam.
Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư phát triển máy móc trong nông nghiệp, cần có thêm những biện pháp giảm tối đa chi phí sản xuất. Lấy ví dụ về dịch “rầy nâu”, xin thưa rằng đã nhiều năm nay người nông dân tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng để diệt trừ nhưng rầy thì ngày càng kháng thuốc mạnh hơn, giá thuốc thì cứ tăng, nhưng chưa thấy Bộ nông nghiệp hay Chính phủ có những biện pháp thiết thực để giải quyết vấn đề tận gốc.
Nói tóm lại, hãy một lần tiếp xúc trực tiếp với người nông dân, nghe họ rưng rưng bày tỏ nỗi lòng khi cả gia đình 1 năm trông chờ vào 2 vụ lúa, bán thì lỗ, không bán thì không có tiền tái đầu tư, trang trải chi phí sinh hoạt, qua đó mới thấy người nông dân đang rất trông đợi vào những hành động thiết thực của những người có trách nhiệm.
Hai Lúa
Tham khảo:
http://vietpress.vn/20130404102742722p46c70/ket-thuc-mua-tam-tru-lua-gao-khong-nhu-mong-doi.htm
http://tapchiaocuoi.com/chi-tiet/148-366-nghich-ly-gia-gao--xuat-khau-beo-noi-dia-cao.html
http://www.dabaco.com.vn/vn/nganh-nong-san-thuc-pham/tam-tru-lua-gao-lieu-co-cuu-duoc-gia-cho-nong-dan.html
Xem thêm: Quyết định311/QĐ-TTg
Cập nhật bởi Choi_Tre ngày 05/04/2013 09:02:09 SA
"Những điều tầm thường nhất - Trong con mắt thế gian - Là điều ta trân trọng - Chẳng cần ánh hào quang - Hay giàu sang phú quý - Là lý tưởng và còn hơn thế nữa - Ta đi phục vụ mọi người"