Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 50/2023/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ 31/8/2023) hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ.
Theo đó, Thông tư 50/2023/TT-BTC quy định phương thức chi trả kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP như sau:
(1) Các bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng chế độ quy định.
(2) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định 24/2023/NĐ-CP và Nghị định 42/2023/NĐ-CP , chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới trực thuộc còn thiếu nguồn.
(3) Đối với các địa phương có nhu cầu kinh phí để thực hiện chế độ theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP và Nghị định 42/2023/NĐ-CP lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định tại Thông tư này: Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện tạm cấp kinh phí cho ngân sách cấp dưới chưa đủ nguồn. Các địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính để tạm cấp kinh phí thực hiện. Số kinh phí tạm cấp được giảm trừ khi cấp có thẩm quyền bổ sung đủ kinh phí thực hiện theo quy định.
Các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động sử dụng dự toán ngân sách năm 2023 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư này; báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên về nhu cầu kinh phí còn thiếu (nếu có) để xử lý theo quy định.
(4) Kế toán và quyết toán: Việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư 50/2023/TT-BTC thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn thực hiện nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở
Nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP cho các đối tượng trên căn cứ vào:
- Mức tiền lương cơ sở tăng thêm.
- Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
- Hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối), tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ (BHXH, BHTN, BHYT, kinh phí công đoàn).
Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách sau:
- Đóng BHYT cho thân nhân các đối tượng là:
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng.
+ Công nhân và viên chức quốc phòng.
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật, học viên CAND, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND, CAND và thân nhân người làm công tác cơ yếu.
- Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với:
+ Cấp ủy viên các cấp theo Quy định 169-QĐ/TW năm 2008.
+ Chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp ủy thuộc cấp tỉnh theo Quy định 09-QĐ/VPTW năm 2017.
- Hoạt động phí của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị hành chính của trung ương đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 50/2023/TT-BTC.
Xem chi tiết tại Thông tư 50/2023/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 31/8/2023 và thay thế Thông tư 46/2019/TT-BTC