Lương của chồng có thể trở thành tài sản riêng của vợ không?
Việc ủy quyền cho người khác nhận lương thay mình là một điểm mới tại Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021). Nhiều người cho rằng dựa vào quy định này, bằng cách sử dụng tài khoản của mình làm tài khoản nhận lương hàng tháng, vợ có thể “hô biến” lương của chồng thành tài sản của riêng mình, như vậy có đúng hay không?
1. Làm cách nào để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản vợ?
Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
“1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Điều này có nghĩa, nếu người vợ bằng một cách nào đó được chồng ủy quyền nhận lương cho mình, cô ấy sẽ có thể “không đi làm” mà vẫn được trả lương.
Thêm vào đó, Khoản 2 Điều 96 Bộ luật trên cũng quy định NLĐ hoàn toàn có thể được trả lương qua tài khoản ngân hàng.
Chính vì 2 lý do này, nếu người vợ được ủy quyền nhận lương và dùng tài khoản của mình là tài khoản nhận lương tại nơi làm việc của chồng, anh này sẽ hoàn toàn không nhận được một đồng lương tiền mặt nào sau mỗi tháng lao động!
2. Tiền lương của chồng là tài sản chung hay tài sản riêng?
Tuy vậy, có phải cứ là tiền trong tài khoản của vợ thì là tài sản riêng hay không, nhất là khi nó xuất phát từ lương của chồng?
Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…”
Theo đó, thu nhập từ lao động của chồng hay vợ có được trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được coi là tài sản chung, và khoản lương tháng cũng không nằm ngoài phạm vi này.
Bản chất của vấn đề không phải tiền nằm trong tải khoản của ai mà là tiền đó có được như thế nào, chính vì tiền lương có được trong thời kỳ hôn nhân, nên về cơ bản nó phải được xem là tài sản chung, vợ không thể tự ý sử dụng hay định đoạt.
3. Tiền lương của chồng có thể trở thành tài sản riêng của vợ hay không?
Dù tiền lương của chồng về cơ bản là tài sản chung, vẫn có cách để biến nó thành tài sản riêng của vợ một cách hợp pháp.
Chế độ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như phân tích ở trên là chế độ tài sản theo luật định, ngược lại, còn có chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng (Điều 28 Luật HNGĐ), vì bản chất quan hệ vợ chồng cũng là một quan hệ dân sự và được ưu tiên điều chỉnh bằng thỏa thuận của hai bên.
Điều 47 Luật này có quy định:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Muốn thỏa thuận về chế độ tài sản, vợ và chồng phải lập văn bản từ trước hôn nhân, sau đó công chứng và chứng thực. Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận như sau:
“1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.”
Trong văn bản thỏa thuận này, người vợ có thể đề nghị “lương của chồng sẽ là tài sản riêng của vợ” và áp dụng nó trong suốt thời kỳ hôn nhân. Nếu người chồng cũng “bằng cách nào đó” mà đồng thuận với thỏa thuận này, người vợ sẽ hoàn toàn có thể biến lương của chồng thành tài sản riêng của mình!