Trường CĐ có trụ sở chính ở Khánh Hòa nhưng tên gọi lại liên quan đến TP. HCM
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra những quy định đầy đủ và cụ thể về việc đặt tên trường cao đẳng, trung cấp để tránh tình trạng gây hiểu lầm cho người học như trong thời gian qua.
Tên địa phương phải gắn với nơi đặt trụ sở chính
Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định điều lệ trường trung cấp, điều lệ trường cao đẳng mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) đưa ra nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC). Theo đó, yêu cầu tên trường bằng tiếng Việt phải có cụm từ xác định loại trường (trường CĐ, CĐ cộng đồng, trường TC), cụm từ xác định loại hình, lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo chính (nếu cần), cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp (nếu cần), tên trường không được trùng với tên của trường CĐ đã thành lập trước đó…
Ở nguyên tắc cụm từ xác định tên riêng, có thể đặt tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, tên danh nhân lịch sử, tên cá nhân, tên tổ chức. Đặc biệt, cụm từ xác định tên địa phương phải gắn với nơi đặt trụ sở chính của trường. Việc đặt tên riêng của trường phải rõ ràng, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường, không gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng trường. Đây chính là điểm mới trong quy định đặt tên trường.
Gây hoang mang người học
Trước đó, phụ huynh và người học hoang mang khi có tình trạng một số trường CĐ có trụ sở ở một nơi nhưng tên trường lại liên quan đến các địa danh lớn.
Chẳng hạn Trường quốc tế Nam Việt có giấy phép thành lập của Bộ LĐ-TB-XH ngày 18.7.2008, trụ sở chính tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa, nhưng năm 2018 lại được đổi tên thành Trường CĐ Y Dược Sài Gòn, thực hiện tuyển sinh và đào tạo một số ngành khối sức khỏe tại cơ sở Nha Trang, Q.Bình Tân (TP.HCM) và Q.12 (TP.HCM). Hay Trường CĐ Y Dược Hà Nội trong giấy phép đăng ký hoạt động lại có trụ sở tại Khúc Xuyên, TP.Bắc Ninh, với tên gọi trước đây là Trường CĐ Y Dược Thăng Long. Trường này cũng đăng ký hoạt động tuyển sinh và đào tạo ở các địa điểm Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra, các trường như CĐ Y Dược Pasteur (trụ sở chính ở Yên Bái), CĐ Y Dược ASEAN (trụ sở ở Hưng Yên) đều có tên rất “kêu” nhưng từng có thời gian đã tuyển sinh tràn lan ở TP.HCM với địa điểm thuê mướn, không đủ cơ sở vật chất lẫn giảng viên.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Việc đặt tên các trường CĐ, TC trong thời gian qua được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46, 47 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH quy định điều lệ trường CĐ, điều lệ trường TC. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn còn những bất cập nhất định như một số trường đặt tên gắn với địa phương khác với địa phương nơi đặt trụ sở chính, gắn với cụm từ xác định chất lượng, thứ hạng, phạm vi hoạt động chưa đúng với thực tế về chất lượng đào tạo, phạm vi hoạt động và các điều kiện đảm bảo của trường."
Theo ông Dũng, việc đặt tên trường theo quy định mới này còn tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh về chất lượng, uy tín, thương hiệu giữa các trường và giúp người học nhận biết, lựa chọn đúng trường, đúng ngành, nghề để theo học.
Mỹ Quyên
Báo Thanh niên