Trường hợp nào thì không được ủy quyền dân sự?

Chủ đề   RSS   
  • #593004 30/10/2022

    Trường hợp nào thì không được ủy quyền dân sự?

    Uỷ quyền là việc bên nhận ủy quyền nhân danh bên còn lại thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho bên ủy quyền. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự có một số trường hợp việc ủy quyền này sẽ không được công nhận. Dưới đây là 06 trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự

     

    Thứ nhất, khi đăng ký kết hôn. Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Quyết định 3814/QĐ-BTP thì khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt.

    Thứ hai, khi ly hôn. Đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

    Thứ ba, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt (khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014).

    Thứ tư, khi công chứng di chúc của bản thân. Theo quy định tại Điều 56 Luật công chứng 2014 thì: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

    Thứ năm, không được ủy quyền cho người có quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015: Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.

    Thứ sáu, không được ủy quyền cho người đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015: Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền).

     
    373 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận