Thạc sĩ Trần Thanh Thảo (Giảng viên môn Luật Hình sự trường ĐH Luật TP HCM) cho rằng theo quy định tại điểm d, khoản 9, Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì khóa số tám dùng để còng tay được coi là một trong những loại công cụ hỗ trợ. Trong khi đó khoản 1, Điều 33 của Pháp lệnh này quy định về người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh này;
b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác;
c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Một kiểm sát viên cao cấp của VKSND tối cao tại TP HCM nhấn mạnh: Trong trường hợp bắt quả tang hoặc bắt khẩn cấp thì còng tay là biện pháp nghiệp vụ chống sự chạy thoát của đối tượng để áp dụng các biện pháp điều tra chứ không phải vấn đề tố tụng.
Tôi ví dụ tình huống của một cô người mẫu ở Hà Nội, nếu thực sự cô này có dùng bạo lực để chống người thực thi công vụ thì bất kể trường hợp nào cũng phải áp dụng đầy đủ và cần thiết đưa cô ấy về nơi làm việc để đảm bảo an toàn trật tự, tránh xảy ra tình huống xấu khác. Chỉ có như thế mới thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không ai có thể ỷ thế người này, người kia hoặc chức danh của mình mà gây ảnh hưởng trật tự công cộng. Mà trật tự xã hội lại lớn hơn danh dự, nhân phẩm của một người cho nên trong trường hợp đó người thực thi công vụ phải áp dụng biện pháp cần thiết nhất là còng tay để đảm bảo trật tự xã hội.
Tóm lại theo tôi, còng tay không phải là vấn đề tố tụng nhưng trong nghiệp vụ những tình huống nguy hiểm người ta phải áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo cái này, cái kia.
Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: Trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định cụ thể trường hợp nào thì có quyền trói tay, khóa tay, còng tay… người bị bắt, mà đây là nghiệp vụ cụ thể của cơ quan điều tra nhằm hạn chế việc chống đối, phản ứng liều lĩnh, tiêu cực của người bị bắt giữ.
Tuy nhiên, dù sử dụng nghiệp vụ gì thì cũng phải đảm bảo không được nhục hình, xâm phạm thô thiển và thô bạo với người bị bắt giữ. Bởi vì người bị bắt giữ để điều tra, chứ chưa được coi họ đã là người phạm tội; các quyền cơ bản của con người vẫn phải được tôn trọng, bảo đảm.