Trường hợp nào được xem là tẩu tán tài sản
Liên quan đến vụ việc nữ tiếp viên hàng không bị Mercedes tông, mới đây Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP.HCM vừa tuyên phạt tù 7 năm 6 tháng đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Không bàn đến phán quyết của tòa về vụ án, ở đây vấn đề được quan tâm là bị cáo Phong đã kịp ký sang tên nửa căn nhà cho mẹ bị cáo, có công chứng. Trước khi có kết luận, nội dung dưới đây sẽ bàn về vấn đề trường hợp nào tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc bồi thường.
* Tẩu tán tài sản là gì?
Tẩu tán tài sản là hành vi thực hiện xác lập các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc các biện pháp khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.
* Đang bị tạm giam, tạm giữ vẫn được chuyển nhượng tài sản
Về nguyên tắc theo quy định tại Luật Công chứng 2014 thì: "Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng."
Như vậy trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam mà có yêu cầu thực hiện công chứng thì việc công chứng vẫn được thực hiện mà không cần đến trụ sở.
* Xác định tài sản bị tẩu tán để trốn tránh nghĩa vụ
Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo:
“…2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”
Trường hợp thực hiện giao dịch khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà số tiền thu được dùng để thi hành án thì không bị coi là tẩu tán tài sản. Và ngược lại giao dịch sau khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật mà số tiền thu được không dùng để thi hành án và không thực hiện nghĩa vụ theo quy định thì sẽ bị coi là tẩu tán tài sản (nếu tài sản đó là duy nhất hoặc nằm trong nhóm tài sản để thực hiện nghĩa vụ).
Trường hợp xác định hành vi có sự trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, cá nhân có nghĩa vụ chứng minh giao dịch đối với tài sản (mà tài sản được xác định là đối tượng để thực hiện nghĩa vụ) nhằm trốn tránh nghĩa vụ có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thiết để bảo vệ tài sản, trường hợp giao dịch được thực hiện với bên thứ 3 thì đương sự có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo căn cứ nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế để xác định điều này không phải là dễ dàng.
* Xử lý hành vi tẩu tán tài sản
Ngoài ra, hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản được xác định là hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm theo điểm a, khoản 5, điểm a khoản 8 điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.