Thu nhập doanh nghiệp là một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, thông thường các doanh nghiệp đều chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khoản 20%. Qua đó mức thuế suất 20% đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp nhất định, doanh nghiệp có thể được áp thuế suất ưu đãi 10% trong một thời hạn nhất định hoặc áp dụng trong toàn bộ thời gian sản xuất, kinh doanh. Vậy, trường hợp nào doanh nghiệp được áp dụng các thuế suất ưu đãi.
Thuế suất ưu đãi có thời hạn
Doanh nghiệp được ưu đãi thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng khi lựa chọn các hình thức, mức vốn, địa bàn đầu tư theo chính sách của nhà nước thì sẽ đáp ứng các điều kiện được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể tại Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC) được thực hiện như sau:
(1) Thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm kích ứng đầu tư cân bằng các vùng kinh tế với nhau, tránh việc tập trung đầu tư vào một địa bàn nhất định.
(2) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực dự án đầu tư theo điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Bên cạnh các dự án được nhà nước ưu tiên ưu đãi về thuế. Thì các dự án về phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga phải phát sinh doanh thu, thu nhập từ quá trình hoạt động của các dự án đầu tư nêu trên thì mới thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế.
Như vậy, theo quy định trên chỉ những hoạt động phát sinh thu nhập mới được giảm thuế, trường hợp các doanh nghiệp thực hiện thi công, xây dựng các công trình này thì phần thu nhập từ hoạt động thi công, xây dựng không được hưởng ưu đãi thuế theo quy định này.
(3) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
(4) Doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao. Việc áp dụng, phát triển công nghệ vào đời sống được nhà nước khuyến khích mạnh mẽ nhằm nâng cao tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
(5) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm.
- Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm và sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm.
(6) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 (mười hai) nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao 2008, Luật khoa học và công nghệ.
(7) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính.
Như vậy, để được hưởng mức thuế 10% trong vòng 15 năm, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong 07 hình thức đầu tư được nhà nước khuyến khích thực hiện. Số tiền giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được nhà nước xem như đã góp phần phát triển kinh tế các vùng và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo hướng khuyến khích.
Thuế suất ưu đãi toàn thời gian hoạt động
Căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư 78/2014/TT-BTC (điểm a, e được sửa đổi, bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% áp dụng trong suốt thời gian hoạt động khi bao gồm các lĩnh vực đầu tư sau:
(1) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hoá).
(2) Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản.
(3) Phần thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí.
(4) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở 2014.
(5) Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ các hoạt động nông lâm ngư nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; Sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.
(6) Phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, sẽ có hai hình thức ưu đãi thuế 10% là đầu tư dự án thuộc lĩnh vực, quy mô được chính phủ quy định ở thuế suất ưu đãi 15 năm và thứ hai là ưu đãi 10% thuế suất trong toàn bộ thời gian hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi giải thể.
Việc ưu đãi thuế suất này nhằm đảm bảo các hoạt động trên được đầu tư mạnh mẽ, không bị thụt lùi so với những ngành, vùng khác trên địa bàn cả nước.