Câu hỏi:
Trước 15/10/1993, gia đình tôi san lấp trên 100 m2 đất đầm lầy, nước đọng liền kề khu tập thể nơi cư trú để trồng cây, chăn nuôi. Việc sử dụng đất (SDĐ) của chúng tôi không được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc cấp nhưng thực tế, quá trình sử dụng diện tích đất được bà con tổ dân phố sinh sống cùng thời điểm xác nhận.
Ngày 1/11/2011, UBND phường lập “Biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng” vì cho rằng tôi có hành vi: “Tự ý dựng và quây tôn trên đất nông nghiệp thuộc phường quản lý…”.
Ngày 2/11/2011, UBND phường ra Quyết định 111/QĐ-CTUBND “về việc đình chỉ thi công xây dựng…”; ngày 23/11/2011, ra Quyết định 114/QĐ-CTUBND “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm…", bất chấp sự thật: Diện tích đất chúng tôi sử dụng không tồn tại cái gì có thể gọi là “công trình xây dựng”; trên đất là các cây thuốc, cây ăn quả, như cây sấu, cây nhãn, cây xoài… tuổi từ 10 đến 15 năm, cùng một số vật dụng gia đình, vật liệu xây dựng.
Đây là một sự thật, chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh, đồng thời người dân xung quanh, ai ai cũng đều biết. Toàn bộ số cây trồng và tài sản khác trên đất đã bị lực lượng cưỡng chế san ủi, phá tan tành, rồi họ lập hàng rào thu hồi đất.
Sau ngày bị cưỡng chế, tôi đã gửi đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở quận xử lý lại việc này cho đúng pháp luật. Cụ thể là xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền (GCNQ) SDĐ cho hộ gia đình tôi đối với diện tích trên 100 m2 đất san lấp sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ trước 15/10/1993; nếu thu hồi đất gia đình tôi đang sử dụng thì phải có quyết định của người có thẩm quyền, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và bồi thường cho chúng tôi theo quy định của Chính phủ, nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Họ căn cứ điều 10 của Luật Xây dựng, các điều 17, 23, 24 của Nghị định 180/2007/NĐ-CP để bác yêu cầu của tôi và nói: Nếu không đồng ý thì đề nghị cấp trên giải quyết.
Về pháp lý, cần hiểu sự việc này như thế nào? (Bùi Văn Luật, TP Hà Nội)
Trả lời:
1. "Đất đang sử dụng” và “đất chưa sử dụng” là những thuật ngữ được dùng rất phổ biến trong pháp luật về đất đai.
Đối với “đất chưa sử dụng”: Theo UBND phường, hộ ông Luật “tự ý dựng và quây tôn trên đất nông nghiệp thuộc phường quản lý…”. Trong sự việc này, đất “thuộc phường quản lý” được hiểu là “đất chưa sử dụng”? “đất chưa sử dụng” nhưng đã bị "tự ý dựng và quây tôn” thì UBND ra quyết định cưỡng chế là đúng rồi.
Đối với “đất đang sử dụng” thì chính quyền phải có cách “ứng xử” khác.
Căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, người "đang SDĐ" mà thời điểm bắt đầu sử dụng từ trước 15/10/1993, dù không có giấy tờ chứng minh, vẫn được xem xét cấp GCNQSDĐ và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Ông Luật cho biết, diện tích bị cưỡng chế là “đất đang sử dụng” và thời điểm bắt đầu sử dụng: Trước 15/10/1993 đã được bà con tổ dân phố xác nhận. Về pháp lý, người đang SDĐ được bà con tổ dân phố xác nhận thời điểm bắt đầu sử dụng, tức là thực hiện đúng quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP nhằm giúp cơ quan Nhà nước có cơ sở xem xét, cấp GCNQSDĐ cho người SDĐ từ trước 15/10/1993 mà không có giấy tờ chứng minh.
Xin được nhắc lại: Đối với “đất chưa sử dụng” nhưng bị “tự ý dựng và quây tôn” thì chính quyền quyết định cưỡng chế (dỡ phần tôn dựng, quây; thu hồi đất) là đúng pháp luật. Ngược lại, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với “đất đang sử dụng” mà người đang SDĐ ấy thuộc diện được hưởng quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai thì đây là quyết định trái pháp luật.
2. Điều 10 của Luật Xây dựng, các điều 17, 23, 24 của Nghị định 180/2007/NĐ-CP không quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với “đất đang sử dụng” mà người đang SDĐ thuộc diện được hưởng quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai. Ngoài ra, việc áp dụng các văn bản khác dưới luật đều không có hiệu lực thi hành nếu quy định từ những văn bản đó "trái"hoặc "khác" quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai.
3. Người dân và chính quyền có ý kiến khác nhau về “đất đang sử dụng” hay “đất chưa sử dụng”. Xác định sự thật để áp dụng pháp luật cho đúng, thiết nghĩ, là việc cầnphải làm; việc này cũng không phải là “quá khó”, nếu hai bên đều trung thực, thiện chí và thật lòng.
Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn