Trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #616576 20/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 583 lần


    Trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc có bị phạt không?

    Có nhiều trường hợp lợi dụng việc đấu giá đất, người trúng đấu giá với mức giá cao để thổi giá cho khu đất đó chứ không thật sự muốn mua. Vậy pháp luật quy định xử phạt hành vi này thế nào?

    Trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc có bị phạt không?

    Theo điểm c khoản 9 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định:

    - Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

    - Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định này thì sau 120 ngày kể từ ngày phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc. 

    Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.

    Như vậy, hiện nay chưa có chế tài xử phạt cụ thể cho hành vi trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, tuy nhiên theo quy định hiện hành thì người bỏ cọc sẽ không được trả lại số tiền đã đặt cọc đó.

    Từ 01/01/2025, trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá đến 5 năm

    Theo quy định hiện hành tại Điều 70 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan như sau:

    Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật đấu giá tài sản 2016 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Tuy nhiên, quy định trên được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 như sau:

    - Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật đấu giá tài sản 2016, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    - Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm.

    - Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá.

    - Quyết định cấm tham gia đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

    Theo đó, từ ngày 01/01/2025 thì hành vi trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ có thể bị cấm đấu giá trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm và lưu ý là quy định này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp khi tham gia đấu giá làm dự án đầu tư.

    Quy định về xử phạt các vi phạm về đấu giá đất

    Mặc dù hành vi trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc theo quy định hiện hành chưa có quy định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng các hành vi khác vi phạm về đấu giá đất sẽ bị xử lý như sau:

    (1) Xử phạt hành chính

    Theo Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản như sau:

    - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

    + Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

    + Không trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá hoặc không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá;

    + Ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc thành lập hội đồng đấu giá tài sản khi chưa có giá khởi điểm, trừ trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá hoặc pháp luật có quy định khác;

    + Không thông báo công khai hoặc thông báo không đúng quy định trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản;

    + Đưa thông tin không đúng về tài sản đấu giá nhằm mục đích trục lợi;

    + Thỏa thuận trái pháp luật với cá nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trừ trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ;

    + Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Không bán đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá;

    + Đấu giá đối với tài sản chưa được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện cuộc đấu giá khi không có chức năng đấu giá tài sản.

    Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả  theo quy định.

    (2) Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Theo Điều 218 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản như sau:

    - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    + Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

    + Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

    + Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Có tổ chức;

    + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

    + Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, đối với các hành vi vi phạm khác trong đấu giá đất thì sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ tính chất, mức độ vi phạm như trên.

     
    641 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận