Trả tiền vé tại các trạm BOT là một trong những thủ tục bắt buộc khi sử dụng dịch vụ đường xá do các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành đến khi hoàn vốn sẽ chuyển giao lại cho nhà nước.
Hiện nay, việc trả tiền tại các điểm BOT không còn phải thu tiền mặt như trước nữa mà thông qua bằng hình thức trả tiền online. Theo ghi nhận nhiều ô tô con núp sau các xe tải rồi vượt qua trạm để trốn vé, dẫn đến nhiều tai nạn và mất kiểm soát trên những tuyến đường có trạm BOT.
1. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định
Thông thường, trước khi vào trạm thu phí tài xế sẽ thấy biển giảm tốc độ, theo đó các phương tiện đi qua khu vực thu phí sẽ phải đi chậm lại vì các xe phía trước sẽ thực hiện thủ tục đóng phí tại các trạm BOT. Trường hợp các xe cố tình chạy nhanh hơn để cố tình vượt chạm thì sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng đối với xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.
- Phạt từ 04 triệu đồng - 06 triệu đồng đối với xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Như vậy, khi đi vào khu vực trạm thu phí thì các tài xế cần phải chú ý các biển báo hiệu đi chậm tránh xảy ra va chạm trên cao tốc. Trường hợp vi phạm sẽ có camera an ninh ghi hình lại và phạt nguội.
Ngoài ra, không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” cũng bị phạt từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng.
2. Đi vào làn thu phí tự động (ETC) không dán thẻ
Trạm thu phí tự động hiện nay được triển khai ở rất nhiều điểm trên cả nước vì vậy bắt buộc các xe đi trên những đoạn đường này phải đăng ký thu phí tự động và dán thẻ.
Ở làn phí tự động, tài xế không cần dừng xe để trả phí mà việc này sẽ được thực hiện tự động thông qua tài khoản đã đăng ký từ trước. Sau đó, làn thu phí tự động được báo hiệu bằng vạch trên đường, biển báo từ xa, song vẫn có trường hợp lái xe không dán thẻ thu phí tự động vẫn cố tình đi vào. Trường hợp này theo điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt như sau:
Phạt từ 02 triệu đồng - 03 triệu đồng, ngoài ra tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.
3. Ô tô đi vào làn xe máy để né trạm thu phí
Đây là một lỗi không thường gặp lắm tại các trạm thu phí, tuy nhiên không phải là không có trường hợp xảy ra. Vì một khi đã thực hiện hành vi này thì tài xế đã có ý định cố tình vi phạm và lỗi này thường bị xử phạt cao.
Phạt từ 300.000 đồng - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 04 triệu đồng - 06 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định. Căn cứ điểm đ khoản 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Lưu ý: Người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng, đặc biệt, nếu gây tai nạn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.
Như vậy, trường hợp các xe ô tô vượt làn thu phí tự động với tốc độ cao có thể bị xử phạt với nhiều hành vi vi phạm cùng lúc như vượt quá tốc độ, không đăng ký thu phí tự động hoặc cố tình trốn thu phí bằng nhiều cách khác sẽ bị xử phạt hành chính ở mức cao. Ngoài ra, tài xế vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe.