Trình tự, thủ tục giải quyết sơ thẩm vụ án dân sự của nước Ireland

Chủ đề   RSS   
  • #449927 20/03/2017

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Trình tự, thủ tục giải quyết sơ thẩm vụ án dân sự của nước Ireland

    Ireland là một trong những nước theo hệ thống thông luật. Hệ thống Tòa án của Ireland bao gồm: Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm, Tòa án cấp cao, Tòa lưu động và Tòa án quận hạt. Việc xét xử các vụ án dân sự ở Tòa án quận hạt của Ireland được thực hiện theo Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự năm 2014 do Hội đồng quy tắc Tòa án quận hạt ban hành (1). 

    1. Thủ tục khởi kiện, đồng ý hoặc phản đối vụ kiện
     
    Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án và đồng thời gửi một bản sao đơn khởi kiện đó cho bị đơn. Đơn khởi kiện được lập theo mẫu của Tòa án và phải được nộp cho Thư ký Tòa án phụ trách việc nhận đơn. Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn phải liệt kê những tài liệu mà nguyên đơn sử dụng để chứng minh về việc tranh chấp đã phát sinh và các nội dung sau đây:
     
    (i) Nếu bị đơn phản đối việc khởi kiện của nguyên đơn và việc Tòa án tiến hành giải quyết vụ kiện, thì trong thời gian 28 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, bị đơn phải gửi văn bản “Phản đối vụ kiện và cam kết có mặt tại Tòa án” cho nguyên đơn (hoặc Luật sư của nguyên đơn) và cho Tòa án theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Tòa án(2);
     
    (ii) Nếu bị đơn thừa nhận việc nguyên đơn khởi kiện là đúng, thì họ phải liên lạc với nguyên đơn trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, để thống nhất phương án giải quyết tranh chấp với nguyên đơn và không phải có mặt tại Tòa án cũng như không phải tham gia tố tụng(3);
     
    (iii) Nếu sau khi nhận được đơn khởi kiện mà bị đơn không trả lời và cũng không thực hiện theo một trong hai phương án nêu trên, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án ra phán quyết vắng mặt bị đơn.
     
    Nguyên đơn phải gửi kèm đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn dựa vào đó để yêu cầu Tòa án giải quyết; thông tin về lý do không thể cung cấp được một số chứng cứ cụ thể mà lẽ ra phải cung cấp các chứng cứ này cho Tòa án vào thời điểm nộp đơn khởi kiện. Sau khi bản sao đơn khởi kiện được gửi cho bị đơn, thì nguyên đơn phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu còn thiếu nêu trong đơn khởi kiện(4).
     
    Trong thời hạn 28 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao đơn khởi kiện, bị đơn phải gửi văn bản “Phản đối vụ kiện và cam kết có mặt tại Tòa án” cho nguyên đơn (hoặc Luật sư của nguyên đơn) và cho Tòa án theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Tòa án(5). Trong văn bản này, bị đơn phải nêu rõ họ chấp nhận hoặc không chấp nhận hoặc cần làm rõ thêm các tình tiết khách quan về tranh chấp mà nguyên đơn nêu trong đơn khởi kiện. Nếu bị đơn không nêu rõ ý kiến của mình coi như bị đơn đã chấp nhận các tình tiết khách quan về tranh chấp nêu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn(6). Đồng thời, bị đơn cũng phải nêu rõ các tài liệu, chứng cứ mà bị đơn sẽ dựa vào đó để phản đối vụ kiện tại phiên tòa(7).
    2. Thủ tục trao đổi, kiểm tra chứng cứ giữa các bên đương sự
     
    Theo quy định tại Lệnh số 42 của Quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự năm 2014,  thì sau khi nhận được bản sao đơn khởi kiện hoặc tại thời điểm gửi văn bản phản đối vụ kiện, bị đơn có quyền gửi văn bản yêu cầu nguyên đơn cung cấp bất kỳ một bản sao tài liệu mà nguyên đơn liệt kê trong đơn khởi kiện. Ngược lại, trong thời hạn 28 ngày, kể từ ngày nguyên đơn nhận được văn bản phản đối vụ kiện, nguyên đơn cũng có quyền yêu cầu bị đơn cung cấp các bản sao của tài liệu mà bị đơn liệt kê trong văn bản phản đối vụ kiện. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp tài liệu, bên được yêu cầu phải cung cấp bản copy cho bên yêu cầu. Nếu các bên đồng ý, bản sao tài liệu có thể được cung cấp dưới hình thức văn bản điện tử hoặc hình thức khác. Nếu nguyên đơn hoặc bị đơn không thực hiện việc cung cấp tài liệu như đã nêu trên thì không được xuất trình các tài liệu đó như là chứng cứ(8). Đồng thời, theo yêu cầu của bên đương sự không được cung cấp tài liệu, Tòa án có thể ra lệnh buộc bên đương sự kia phải cung cấp và thông báo cho đương sự đó về hậu quả pháp lý của việc không chấp hành lệnh của Tòa án, theo đó: Yêu cầu khởi kiện sẽ bị từ chối giải quyết (nếu đương sự không cung cấp là nguyên đơn) hoặc yêu cầu phản đối vụ kiện sẽ không được Tòa án xem xét (nếu đương sự không cung cấp tài liệu là bị đơn). Trong trường hợp một bên đương sự muốn đương sự bên kia cung cấp những tài liệu khác với tài liệu đã được liệt kê trong đơn khởi kiện hoặc đơn phản đối vụ kiện thì có thể yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 21 ngày, kể từ ngày yêu cầu (9).
     
    Trong văn bản yêu cầu, đương sự phải nêu rõ loại văn bản cụ thể cần được cung cấp; lý do tại sao cần văn bản đó và ý nghĩa của văn bản đó đối với việc giải quyết yêu cầu của mình. Nếu bên đương sự được yêu cầu không cung cấp, từ chối không cung cấp hoặc bỏ qua yêu cầu đó vì lỗi cẩu thả, thì bên đương sự yêu cầu có thể đề nghị Tòa án ra lệnh buộc phải cung cấp. Tòa án có thể từ chối yêu cầu này của đương sự nếu xét thấy rằng việc cung cấp văn bản đó là không cần thiết hoặc không cần thiết cho bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Trong trường hợp chấp nhận yêu cầu, thì Tòa án cũng thông báo cho đương sự về hậu quả pháp lý của việc không chấp hành lệnh của Tòa án. Trong giai đoạn trao đổi, kiểm tra chứng cứ, Tòa án có quyền bác bỏ toàn bộ hoặc một phần đơn khởi kiện hoặc đơn phản đối vụ kiện nếu xét thấy có một trong các căn cứ sau đây: (i) Nguyên đơn chưa đủ điều kiện để tiến hành khởi kiện hoặc ý kiến phản đối vụ kiện của bị đơn là không có căn cứ; (ii) Là sự lạm dụng thủ tục tố tụng hoặc làm chậm trễ quá trình tố tụng(10).
     
    Để bảo đảm cho việc trao đổi, kiểm tra chứng cứ được thuận lợi thì Luật sư các bên đương sự có thể yêu cầu Thẩm phán giải quyết vụ kiện ấn định một thời hạn hợp lý để thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp mà Luật sư của các bên đương sự không đề nghị thì Thẩm phán vẫn có quyền ra lệnh các bên đương sự phải hoàn thành việc trao đổi, kiểm tra chứng cứ trong một thời hạn mà Thẩm phán cho đó là hợp lý. Trong giai đoạn này, Luật sư của hai bên đương sự có thể sẽ gặp nhau để cùng xác định lại nội dung cụ thể của tranh chấp, khẳng định lại các chứng cứ đã được nhận được từ mỗi bên, giá trị pháp lý của các chứng cứ đó. Sau khi kết thúc giai đoạn này, Luật sư của bên nguyên đơn sẽ thực hiện thủ tục gửi thông báo cho Tòa án về việc đã sẵn sàng cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Nếu các bên đã thông báo cho Tòa án về việc kết thúc thủ tục trao đổi, kiểm tra chứng cứ và qu...
    Để bảo đảm cho việc trao đổi, kiểm tra chứng cứ được thuận lợi thì Luật sư các bên đương sự có thể yêu cầu Thẩm phán giải quyết vụ kiện ấn định một thời hạn hợp lý để thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp mà Luật sư của các bên đương sự không đề nghị thì Thẩm phán vẫn có quyền ra lệnh các bên đương sự phải hoàn thành việc trao đổi, kiểm tra chứng cứ trong một thời hạn mà Thẩm phán cho đó là hợp lý. Trong giai đoạn này, Luật sư của hai bên đương sự có thể sẽ gặp nhau để cùng xác định lại nội dung cụ thể của tranh chấp, khẳng định lại các chứng cứ đã được nhận được từ mỗi bên, giá trị pháp lý của các chứng cứ đó. Sau khi kết thúc giai đoạn này, Luật sư của bên nguyên đơn sẽ thực hiện thủ tục gửi thông báo cho Tòa án về việc đã sẵn sàng cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Nếu các bên đã thông báo cho Tòa án về việc kết thúc thủ tục trao đổi, kiểm tra chứng cứ và quá 14 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được Thông báo về thời gian địa điểm mở phiên tòa, thì không có bên đương sự nào được quyền yêu cầu đương sự bên kia tiếp tục trao đổi, kiểm tra chứng cứ(11).
     
    Trong trường hợp các bên đương sự xét thấy vụ kiện có thể được giải quyết bằng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như hòa giải, thương lượng… nhưng không phải là phương thức trọng tài thì phải có đơn yêu cầu Thẩm phán cho phép chuyển sang giải quyết bằng phương thức mà các bên lựa chọn. Trong trường hợp các đương sự không có đề nghị, thì Thẩm phán vẫn có quyền hướng dẫn cho họ có thể chuyển sang cách giải quyết tranh chấp bằng một trong các phương thức nêu trên. Trong trường hợp đương sự đề nghị giải quyết tranh chấp bằng phương thức khác thì Thẩm phán chỉ không chấp nhận nếu đó là phương thức giải quyết bằng trọng tài(12).
    3. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc thương lượng
     
    Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc thương lượng là thủ tục được Tòa án hướng dẫn hoặc trên cơ sở chấp thuận đề nghị của các bên đương sự. Theo đó, trong trường hợp có đơn đề nghị của một trong các đương sự hoặc Tòa án tự xét thấy là cần thiết sau khi đánh giá toàn bộ vụ án và hoàn cảnh, Tòa án sẽ hướng dẫn cho các đương sự thực hiện hòa giải hoặc thương lượng với nhau và ra quyết định tạm dừng việc giải quyết nếu các đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc thương lượng. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ tạm dừng giải quyết vụ kiện trong thời gian diễn ra việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc thương lượng(13). Hòa giải viên hoặc thương lượng viên do các bên lựa chọn và không phải là Thẩm phán đang giải quyết hoặc Thẩm phán khác. Khi các đương sự thống nhất được việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc thương lượng, thì Tòa án hủy bỏ vụ kiện. Quyết định thỏa thuận hòa giải thành hoặc thương lượng thành có hiệu lực thi hành và không cần phải qua thủ tục Tòa án công nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận đó. Trong trường hợp một bên đương sự không chịu thi hành thỏa thuận này thì bên đương sự kia có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án ra lệnh bắt buộc phải thi hành(14).
    4. Thủ tục trước khi mở phiên tòa
     
    Sau khi kết thúc thủ tục trao đổi, kiểm tra chứng cứ, nguyên đơn phải gửi thông báo của Tòa án về thời gian, địa điểm mở phiên tòa cho bị đơn trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được từ Tòa án. Khi nhận thông báo, nguyên đơn phải cung cấp cho Thẩm phán (thông qua Thư ký Tòa án) các loại giấy tờ sau: Các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn có được; Các tài liệu mà nguyên đơn nhận được từ bị đơn; Các tài liệu khác do Tòa án yêu cầu nguyên đơn lập. Trong trường hợp bị đơn không nhận được thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên tòa trong thời hạn nêu trên, bị đơn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án thay đổi lịch mở phiên tòa hoặc hủy bỏ vụ kiện, đình chỉ giải quyết vụ kiện. Trong phiên họp xem xét yêu cầu của bị đơn, Tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ kiện trên cơ sở yêu cầu của bị đơn hoặc xét thấy việc đình chỉ giải quyết vụ kiện là đúng(15).

    5. Thủ tục ra phán quyết vắng mặt bị đơn

    Trong thời gian 28 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, nếu bị đơn không gửi văn bản “Phản đối vụ kiện và cam kết có mặt tại Tòa án” cho nguyên đơn (hoặc Luật sư của nguyên đơn) và cho Tòa án theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Tòa án, nguyên đơn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án ra phán quyết vắng mặt bị đơn(16). Tuy nhiên, trước 14 ngày, kể từ ngày dự định nộp đơn cho Tòa án, nguyên đơn phải gửi thông báo bằng văn bản nêu rõ cho bị đơn biết về việc nguyên đơn sẽ yêu cầu Tòa án ra phán quyết vắng mặt bị đơn. Nếu bị đơn vẫn không gửi văn bản “Phản đối vụ kiện và cam kết có mặt tại Tòa án” như đã nêu ở trên, nguyên đơn sẽ gửi văn bản cho Tòa án để yêu cầu ra phán quyết vắng mặt bị đơn. Văn bản này đồng thời được gửi cho bị đơn để biết và yêu cầu bị đơn phải gửi trả lại trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày nhận được(17). Sau khi nhận được đơn yêu cầu ra phán quyết vắng mặt, tùy từng trường hợp mà Tòa án giải quyết như sau: (i) Ra phán quyết vắng mặt bị đơn và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; (ii) đồng ý cho bị đơn nộp bản “Phản đối vụ kiện và cam kết có mặt tại Tòa án” để phản đối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu của nguyên đơn nếu xác định thấy việc đồng ý này là có căn cứ; (iii) Tạm dừng xét đơn yêu cầu để mở phiên họp xem xét thêm về chứng cứ của nguyên đơn; (iv) Không chấp nhận yêu cầu ra phán quyết vắng mặt của nguyên đơn(18). Bị đơn sau khi nhận được phán quyết vắng mặt, có quyền nộp đơn hủy bỏ phán quyết đó với các lý do: việc ra phán quyết đó trên cơ sở sự lừa dối, cẩu thả hoặc các lý do hợp lý khác. Tuy nhiên, đơn này của bị đơn chỉ được Tòa án thụ lý nếu bị đơn nộp cho Tòa án khoản tiền được tuyên trong phán quyết vắng mặt và án phí đã tuyên trong phán quyết(19).

    6. Thủ tục tại phiên tòa

    Về cơ bản, thủ tục tố tụng tại phiên tòa tại các Tòa án quận hạt của Ireland như sau:

    Nếu Luật sư của nguyên đơn có mặt nhưng Luật sư của bị đơn vắng mặt thì Luật sư của nguyên đơn có thể trình bày về vụ kiện của mình trước Tòa án để thực hiện nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình. Trong trường hợp Luật sư của bị đơn có mặt nhưng Luật sư của nguyên đơn không có mặt, thì Luật sư của bị đơn có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ vụ kiện hoặc trình bày yêu cầu phản tố của mình (nếu có). Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ ra phán quyết về vụ kiện(20).

    Luật sư của nguyên đơn sẽ bắt đầu thủ tục tại phiên tòa bằng việc giải thích ngắn gọn về vụ kiện và những yêu cầu cụ thể của nguyên đơn. Tiếp đó, Luật sư của bị đơn cũng trình bày trước Thẩm phán chủ tọa về ý kiến của bị đơn theo hướng bác bỏ vụ kiện hoặc chấp nhận một phần ý kiến của nguyên đơn về nội dung tranh chấp(21).

    Luật sư của nguyên đơn sẽ trình bày nội dung cụ thể vụ kiện, xuất trình các chứng cứ để chứng minh cho lập luận, yêu cầu của mình và đề nghị Tòa án chấp nhận đó là chứng cứ. Trong trường hợp Luật sư của nguyên đơn cho gọi người làm chứng để cung cấp chứng cứ thì Luật sư của nguyên đơn sẽ trực tiếp hỏi người làm chứng. Luật sư của bị đơn có quyền phản đối cách hỏi người làm chứng của Luật sư của nguyên đơn. Trong trường hợp này Thẩm phán có quyền chấp nhận ý kiến phản đối của Luật sư của bị đơn hoặc bác bỏ phản đối đó. Sau khi Luật sư của nguyên đơn trình bày xong ý kiến, Luật sư của bị đơn sẽ phản biện các lập luận, xuất trình các chứng cứ để bác bỏ các chứng cứ mà Luật sư của nguyên đơn đã đưa ra; đồng thời đề nghị Thẩm phán chấp nhận các chứng cứ đó. Quy trình phản đối, bác bỏ lập luận bằng chứng được lặp lại giữa hai bên đương sự cho đến khi cả hai Luật sư của hai bên không còn đưa ra được bằng chứng nào khác. Trong quá trình này, cả hai bên đều không được quyền đưa ra bằng chứng mới mà bên đương sự kia không biết được trong quá trình hai bên trao đổi, kiểm tra chứng cứ. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với việc một bên yêu cầu Tòa án cho gọi người làm chứng mà bên kia không biết được sẽ có người này ra làm chứng trước phiên tòa(22).

    Sau khi tất cả các bằng chứng đã được trình lên, các Luật sư sẽ đưa ra những lập luận kết thúc hoặc phần tổng kết phần tranh tụng của mình. Luật sư của bên nguyên sẽ nói cả trước và sau; tiếp đó đến phần phát biểu của Luật sư của bị đơn.

    Trên cơ sở nghe Luật sư của hai bên đương sự trình bày, lập luận, Thẩm phán sẽ ra phán quyết để giải quyết vụ kiện theo một trong các hướng sau đây: Tuyên bố nguyên đơn thắng kiện hoặc bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn; tuyên bố nguyên đơn chỉ thắng kiện một phần trong các yêu cầu của nguyên đơn(23).

    Như vậy, qua những phân tích, đánh giá nêu trên, thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án quận hạt của nước Ireland khá thuận tiện cho người dân tiếp cận Tòa án. Đặc biệt, việc thụ lý vụ án rất nhanh chóng và phần lớn thủ tục đều do đương sự mà chủ yếu là Luật sư đại diện của họ tiến hành. Hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ các quy định của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014 được quy định rất rõ ràng, cho phép nguyên đơn hoặc bị đơn có thể chấm dứt vụ án bằng phán quyết vắng mặt hoặc bằng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án. Bên cạnh đó, Bộ quy tắc này cho phép các bên đương sự hoặc Tòa án chuyển phương thức giải quyết bằng Tòa án sang các phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng và hòa giải trong quá trình Tòa án đang giải quyết vụ án.

    Nguồn: Lê Mạnh Hùng - Tòa án nhân dân tối cao.
     
     
    Chú thích
     
    (1) Bộ quy tắc này có tại trang thông tin điện tử của Tòa án Ireland http://www.courts.ie/courts.ie/.
     
    (2) Lệnh số 40 của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (3) Trong trường hợp này, nếu nguyên đơn và bị đơn giải quyết được tranh chấp thì nguyên đơn phải thông báo cho Thư ký Tòa án đã ký Thông báo khởi kiện để Tòa án chấm dứt việc tiến hành tố tụng.
     
    (4) Lệnh số 40 của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (5), (6), (7), (8) Lệnh số 42 của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (9), (10), (11) Lệnh số 42 của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (12) Lệnh số 42 của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (13), (14), (15), (16) Lệnh số 49B của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (17) Lệnh số 49B của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (198, (19), (20), (21) Lệnh số 47A của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
    (22), (23) Lệnh số 47A của Bộ quy tắc về thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án quận hạt Ireland năm 2014.
     
     
    7379 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận