Trình tự các bước để giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Chủ đề   RSS   
  • #611403 10/05/2024

    Trình tự các bước để giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

    Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
     
    Trong quá trình hoạt động sẽ có phát sinh những trường hợp mà phải giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Và trình tự thủ tục các bước giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 16, 17, 18 Nghị định 120/2020/NĐ-CP bao gồm:
     
    Bước 1: Chuẩn bị đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
     
    Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập gồm những nội dung sau:
     
    - Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc giải thể;
     
    - Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;
     
    - Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác liên quan (nếu có);
     
    - Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thời hạn xử lý.
     
    Nội dung tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
     
    - Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
     
    - Quá trình xây dựng đề án;
     
    - Nội dung chính của đề án;
     
    - Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề liên quan.
     
    Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ giải thể đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
     
    - Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
     
    - Tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
     
    - Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
     
    - Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trong trường hợp giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
     
    Bước 3: Lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan
     
    Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải gửi dự thảo đề án, tờ trình và dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập đến các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến tham gia bằng văn bản đối với việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trước khi gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định.
     
    - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: gửi lấy ý kiến của các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan liên quan (nếu có);
     
    - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập: gửi lấy ý kiến của tổ chức tham mưu về lĩnh vực: tổ chức cán bộ, pháp chế, kế hoạch, tài chính và tổ chức liên quan (nếu có);
     
    - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: gửi lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về ngành, lĩnh vực: nội vụ, tư pháp, tài chính, kế hoạch và đầu tư, cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức liên quan (nếu có);
     
    - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện: gửi lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về ngành, lĩnh vực: nội vụ, tư pháp, kế hoạch - tài chính, cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức liên quan (nếu có).
     
    - Đối với việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài phải lấy thêm ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
     
    Bước 4: Gửi hồ sơ
     
    Cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể đơn vị sự nghiệp công lập gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan, tổ chức thẩm định; đối với các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan, tổ chức đó vào mục nơi nhận của văn bản hoặc tờ trình đề nghị thành lập (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
     
    Bước 5: Thẩm định hồ sơ
     
    Cơ quan, tổ chức thẩm định sẽ tiến hành thẩm định
     
    - Bộ Nội vụ thẩm định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
     
    - Vụ (Ban) tổ chức cán bộ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thẩm định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập;
     
    - Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
     
    - Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
     
    - Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có quy định của pháp luật chuyên ngành về các tiêu chí, điều kiện hoạt động thì cơ quan thẩm định về các tiêu chí, điều kiện hoạt động này do pháp luật chuyên ngành quy định.
     
    Thời hạn giải quyết:
     
    Về thẩm định giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
     
    - Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn thẩm định là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan, tổ chức thẩm định phải có văn bản thẩm định gửi cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể;
     
    - Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn thẩm định là 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan, tổ chức thẩm định phải có văn bản thẩm định gửi cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể.
     
    Về quyết định giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
     
    - Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định và trình theo quy định, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phải ra quyết định giải thể.
     
    - Trường hợp cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập không đồng ý việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì có ý kiến bằng văn bản (nêu rõ lý do) gửi cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
     
    =>> Theo đó hiện nay thủ tục giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định nêu trên.
     
    731 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận