Hiện nay giới trẻ đang rộ lên trào lưu bắt pen. Vậy trào lưu bắt pen là gì và gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ mà hàng loạt các bác sĩ đều đưa ra cảnh báo? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong việc bảo vệ sức khoẻ?
Trào lưu bắt pen là gì mà bác sĩ phải cảnh báo?
“Bắt pen” là một trào lưu đang trở nên phổ biến trên mạng xã hội TikTok, khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc phê pha.
Nguyên nhân sâu xa của trào lưu bắt pen là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt để thoát khỏi sự buồn chán trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm không thể lường trước được. Một số tác hại của trào lưu bắt pen có thể kể đến như sau:
- Thiếu máu não: Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não.
- Ngưng tim: Hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
- Chấn thương cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu.
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.
Như vậy, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.
Thông tin mang tính chất tham khảo
Công dân có những quyền và nghĩa vụ gì trong việc bảo vệ sức khoẻ?
Theo Điều 1 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân 1989 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ sức khoẻ như sau:
- Công dân có quyền được bảo vệ sức khoẻ, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phục vụ về chuyên môn y tế.
- Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho mọi người.
Như vậy, công dân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ sức khoẻ của mình và của những người xung quanh.
Nhà nước có những trách nhiệm gì trong việc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân?
Theo Điều 3 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân 1989 quy định về trách nhiệm của Nhà nước như sau:
- Nhà nước chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân; đưa công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; quyết định những chế độ chính sách, biện pháp để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân.
- Bộ y tế có trách nhiệm quản lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống phòng bệnh, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, lưu thông thuốc và thiết bị y tế, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn nghiệp vụ y, dược.
- Hội đồng nhân dân các cấp dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở địa phương; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, của các cơ quan, các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân trong địa phương. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm vệ sinh ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh công cộng cho nhân dân trong địa phương; lãnh đạo các cơ quan y tế trực thuộc, chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức xã hội trong địa phương để thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Như vậy, Nhà nước nói chung và Bộ y tế, Hội đồng nhân dân các cấp có những trách nhiệm trên để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.