Tranh luận văn hóa và văn hóa tranh luận

Chủ đề   RSS   
  • #165826 16/02/2012

    nvdcyah
    Top 500
    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:09/01/2012
    Tổng số bài viết (201)
    Số điểm: 1515
    Cảm ơn: 21
    Được cảm ơn 106 lần


    Tranh luận văn hóa và văn hóa tranh luận

     

    Tranh luận văn hóa và văn hóa tranh luận

     Mọi người chúng ta không mấy ai xa lạ với các cuộc tranh luận lớn về văn hoá- văn nghệ từ những năm 30 của thế kỷ XX giữa hai phái Nghệ thuật vị nhân sinh và Nghệ thuật vị nghệ thuật, tiếp đến là cuộc tranh luận về hội hoạ của Tô Ngọc Vân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp… Từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay càng có khá nhiều cuộc tranh luận về văn hoá, văn nghệ trên các báo và tạp chí trong cả nước. Cách đây chưa lâu, cuộc tranh luận về Thơ hiện đại do Tuần báo Văn nghệ tổ chức đã kéo dài trong nhiều năm. Sau đó, trên tạp chí Thế giới mới cũng có cuộc thảo luận về Văn hoá phê bình…

    Nhìn chung các cuộc tranh luận, dù ít hay nhiều cũng mang lại những điều bổ ích cho các bên tham gia: giới sáng tác, phê bình và công chúng yêu thích văn học nghệ thuật. Song thiết nghĩ đã đến lúc cần làm rõ cốt lõi của mọi cuộc tranh luận là vấn đề văn hoá tranh luận, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi mà các cuộc tranh luận về văn hoá đang có xu hướng thoát ly dần nội dung những vấn đề văn hoá và rất thiếu tính văn hoá trong tranh luận.

    Lẽ thường mọi cuộc tranh luận đều cần có văn hoá, từ ngôn ngữ, giọng điệu đến thái độ và ứng xử của những người tham gia, trong và sau khi cuộc tranh luận đó khép lại. Có như thế các cuộc tranh luận mới tạo nên được sự hấp dẫn đối với những người cầm bút và độc giả nhằm thu hút họ vào những cuộc tranh luận tiếp theo. Âu đấy cũng là nét khu biệt giữa tranh luận văn hoá và những trận cãi vã kiểu hàng tôm hàng cá ngoài chợ giời. Điều này là yêu cầu đầu tiên và không thể thiếu đối với bất cứ một cuộc tranh luận nào về văn hoá. Bản thân cái cần tranh luận là những vấn đề văn hoá thì chỉ có thể dùng thước đo và cách ứng xử của văn hoá mới mong tháo gỡ và làm sáng tỏ được. Bất luận trong trường hợp nào và vì lý do gì các bên tham gia tranh luận cũng không thể đem những thước đo ngoài văn hoá và cách ứng xử thiếu văn hoá để giải quyết vấn đề. Ai vi phạm điều đó coi như đó phạm luật chơi và về thực chất cuộc chơi đó được kết thúc tại đây, trọng tài hoàn toàn có quyền xử thua đối với người vi phạm. Chỉ tiếc là trong những cuộc tả xung hữu đột như vậy thường không có trọng tài, hoặc nếu có thì trọng tài không nắm vững luật, hoặc không đủ bản lĩnh để điều khiển cuộc chơi, và cuối cùng, khi thấy tình thế căng thẳng có thể xảy ra thì những người cầm cân nảy mực lại chuồn trước để cho hai bên tự xử với nhau bằng đủ mọi hình thức như: nói xấu, bôi nhọ, doạ nạt, trả thù lẫn nhau, nhiều khi rất thiếu văn hoá, khiến cho công chúng bạn đọc ngán ngẩm và thất vọng.



    <>

     

    Ảnh mang tính minh họa

     

    Có thể có ngàn vạn lý do khiến người ta bỏ cuộc, hoặc là công chúng không thể chấp nhận một cuộc tranh luận về văn hoá mà thiếu tính văn hoá trong tranh luận như thế kéo dài mãi, nên các bản báo đành tìm cách từ chối tế nhị, tạm thời khộp lại cuộc tranh luận bất phân thắng bại. Hai người trước đây là bạn thân với nhau, nhưng chỉ sau khi nhảy vào một cuộc tranh luận văn hoá, với một vài bài viết in trên mặt báo bỗng dưng họ trở thành hai người thiếu văn hoá và thậm chí có thể trở thành kẻ thù của nhau, sẵn sàng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân để giải quyết vấn đề cho ra nhẽ và chí ít cũng là để hả giận. Điều này không còn là xa lạ và cá biệt đối với những ai quan tâm theo dõi các cuộc tranh luận trên một số báo chí trong vài năm trở lại đây.

    Sở dĩ có tình trạng thiếu văn hoá tranh luận như vậy trước hết phải nói đến người chủ trì các cuộc tranh luận. Đó là ban biên tập các báo và tạp chí. Trớ trêu là các cuộc tranh luận thường được khởi xướng từ phía bạn đọc hoặc là những cây bút không phải là người của toà báo, tạp chí đó. Họ tự phát tìm cho mình đối thủ và sân chơi trên mặt một tờ báo nào đó và không ngần ngại biến tờ báo đó thành chỗ để thanh toán, hạ bệ lẫn nhau. Đến khi cuộc tranh luận đó bước vào giai đoạn cao trào, có nguy cơ bùng nổ, lan rộng thành những vấn đề hệ trọng và rất khó có thể phân thắng bại một cách mau lẹ, thì các bản báo mới chính thức tuyên bố cuộc tranh luận về một chủ đề nào đó bắt đầu hoặc là kết thúc. Như vậy thực chất các toà soạn báo là người bị kéo vào các cuộc tranh luận ngoài chủ đích, nên không thể tránh khỏi sự bất ngờ, luống cuống và bị động mang tính chất đối phó, nhiều khi rất chủ quan và võ đoán. Miếng võ gia truyền đảm bảo sự an toàn cho các toà báo là khi thấy cuộc tranh luận trở nên căng thẳng và quyết liệt, mà không thể lường hết được hậu quả sẽ đi đến đâu, để trừ hậu hoạ, không phải đầu thì còng phải tai, bản báo đành tuýt còi kết thúc cuộc chơi để lại phía sau hai bên đối thủ còn đang hậm hực, gầm gừ và một đám quần chúng bùi ngùi ngơ ngác không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao là điều không mấy khó hiểu.

    Hiện nay theo tôi biết có rất ít toà báo chủ động đề xướng một cuộc tranh luận văn hoá văn nghệ thật sự nghiêm túc như trước đây, có đủ bản lĩnh và tài năng điều khiển cuộc tranh luận đó vừa có văn hoá, vừa có giá trị học thuật và bổ ích đối với những người sáng tác và công chúng. Họ cho rằng mọi vấn đề cần bắt đầu từ đòi hỏi của thực tế đời sống, tức là khi nào trên mặt báo ngẫu nhiên có cuộc tranh luận về một vấn đề nào đó rồi bản báo mới đứng ra làm trọng tài.

     Kể ra cũng là phải thôi, theo kinh nghiệm các cuộc tranh luận văn hoá văn nghệ trên các báo không mấy khi đem lại kết quả mong muốn. Người ta lấy cái cớ là tranh luận về văn hoá, học thuật trên báo nọ, tạp chí kia để thanh toán, hạ bệ hoặc tung hô một ai đó theo sở thích cá nhân và quan hệ thân sơ- những cái nằm ngoài nội dung vấn đề cần tranh luận. Vậy thì tội gì mà phải nghĩ, trong lúc còn khối những chuyện làm ăn, xử thế cần phải dành nhiều thì giờ và suy tính cẩn trọng, nếu không hoặc sẽ có thể đặt nhầm chiếc ghế vào chỗ đối phương của mình, hoặc chí ít cũng đánh tuột mất cây nọ, chỉ kia, hà tất vì cớ gì phải ngồi nghĩ nát óc ra một cuộc chơi tranh luận học thuật văn hoá không mang lại bổ béo, lợi lộc gì.

     Nhưng dù sao cũng nên tiên trách kỷ hậu trách nhân như các cụ đã dạy. Thực trạng thiếu văn hoá tranh luận nguyên nhân chính vẫn là ở các bên tham gia tranh luận, mặc cho vai trò của trọng tài có quan trọng đến mấy cũng không thay thế được sự quyết định của các bên tham gia cuộc chơi. Nhiều cuộc tranh luận trên các báo và tạp chí gần đây thường bắt đầu từ những vấn đề to hơn con voi và kết thúc thì lại bé hơn con kiến, ấy là chưa nói đến không ít cuộc tranh luận chỉ có mở đầu mà không có kết thúc, bỏ lửng. Mỗi người đều tự đưa ra quan điểm của mình, cứ việc nói cái mình thích, không cần biết nó có phải là vấn đề mà người tranh luận với mình quan tâm và công chúng có chấp nhận hay không.

    Rất tiếc là có không ít người bước vào tranh luận với một thái độ và ngôn ngữ rất văn hoá nhưng kết cục lại là những ứng xử rất thiếu văn hoá. Đó là những người mang sẵn trong mình tâm lý hiếu thắng, máu háo danh, thích nổi tiếng, nên mỗi khi đuối lý trong tranh luận, thì hay cãi cùn, cãi bậy, suy diễn, võ đoán và sẵn sàng quy chụp hết chuyện nọ xọ chuyện kia, vòng vo đủ kiểu, bất chấp những điều mình đưa ra đúng hay sai, cứ nói cho hả giận, cốt giành cho được thắng lợi. Nhưng họ có biết đâu đấy chỉ là một phép thắng lợi tinh thần mà chú AQ của Lỗ Tấn đã từng làm từ những năm đầu của thế kỷ trước. Phép thắng lợi tinh thần về bản chất không có chỗ cho chân lý khoa học trú ngụ. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ, sự xác tín của chân lý khách quan không dễ gì nhận ra bằng những dấu hiệu cụ thể đong đo, cân đếm được như trong khoa học tự nhiên, nên càng gây cho những người tham gia tranh luận cảm giác rằng những điều mình nói ra mới là chân lý, còn các người toàn nói sai bét.



     Đương nhiên trong thực tế đời sống văn hoá văn nghệ thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người tham gia tranh luận những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực này, vấn đề nọ, nhưng lại có rất ít người thống nhất được với nhau về nội dung vấn đề, cách thức, thời gian, địa điểm, giới hạn tranh luận, và có không ít người đó đá nhầm bóng sang sân chơi của người khác. Anh nhà báo nghiệp dư, cô sinh viên chưa kịp tốt nghiệp, thầy giáo dạy thể dục, bác cựu chiến binh, chị cán bộ ngân hàng, rồi vài ông mọt sách,… tất cả đều nhảy cẫng lên bổ nhào vào cuộc. Có trời mà biết họ có và sẽ sử dụng những loại vũ khí gì. Nhưng chắc chắn rằng lòng nhiệt tình thì không một ai thiếu, nếu không muốn nói là thừa. Vậy là họ sẵn sàng lấy sự cuồng tín ra để đánh đổi chân lý. Kể ra cũng phải vì không ai có quyền ngăn cấm sự nhiệt tình bốc lửa của họ. Một phong trào văn hoá văn nghệ như vậy xem ra rất đại chúng. Và như thế họ đã thực hiện quyền được tham gia hoạt động văn hoá của mình.

    Thật đáng buồn là nhiều người trong khi thực hiện quyền của mình đó không ý thức được rằng quyền hạn là một việc, có thể được chia đều cho tất thảy mọi người, còn khả năng thực hiện quyền hạn đó lại là một việc hoàn toàn khác. Khả năng thực hiện bất cứ một quyền hạn nào đó cũng cần phải hội đủ những điều kiện thiết yếu. Cũng vậy, để có thể tranh luận về văn hoá văn nghệ, người tham gia nhất thiết phải có hệ thống lý luận văn hoá văn nghệ cơ bản, được đào tạo có bài bản làm cơ sở giúp cho các thao tác tư duy đúng chuẩn, ít lạc hướng, có vốn tri thức về văn hoá văn nghệ và các lĩnh vực khoa học kế cận có liên quan như: ngôn ngữ học, triết học, tâm lý học… và cần có kinh nghiệm hoạt động thường xuyên và lâu dài trong lĩnh vực này. Tất cả những điều đó tạo nên một cái phông văn hoá chung không thể thiếu trong quá trình tranh luận, khiến những người tham gia đi đúng mục tiêu và nội dung tranh luận.

    Một số người khác tuy đã hội đủ những yếu tố trên, nhưng vì những động cơ cá nhân hay là một sự ngộ nhận nào đó nên thường biến các cuộc tranh luận văn hóa thành nơi trút bỏ những định kiến hẹp hòi, những mưu đồ cá nhân vị kỷ, bằng mọi cách chứng minh đối thủ của mình có vấn đề về lập trường tư tưởng, đạo đức cá nhân thiếu lành mạnh, lối sống bê tha, luôn gây rối, thích vọng ngoại,… Tất cả những chuyện đời tư được lôi ra hết, dù đó là chuyện thuộc về lịch sử hay hiện tại, chuyện vợ con gia đình hay tên huý của cụ tổ ba bảy đời, khi cần họ cũng không tha. Mục đích cuối cùng là nhằm hạ gục đối thủ chứ không phải là để chứng minh cho chân lý khoa học. Một chân lý khoa học có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau, cớ sao chỉ có người này là được quyền phát ngôn và biến nó thành sở hữu riêng của mình, còn người khác không có quyền. Đấy là những ứng xử rất thiếu văn hoá trong tranh luận.

    Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu văn hoá tranh luận hiện nay một phần quan trọng nằm trong sự bất cập của cơ chế điều hành hoạt động trong lĩnh vực này. Ai cũng biết rằng sáng tác trước hết và chủ yếu thuộc về cá nhân. Mọi hoạt động sáng tạo đều là tự nguyện và có phần tự phát. Không ai có thể bắt anh A, chị B làm thơ, viết văn, vẽ tranh hay sáng tác nhạc được nếu như họ không thích. Thế nhưng hoạt động này đó được tổ chức một cách khá quy củ. Trong một thời gian nhất định nếu điều kiện cho phép thì những người sáng tác được đi các trại viết tập trung hoặc được hỗ trợ kinh phí để sáng tác. Đồng thời họ được các hội và các ngành tổ chức những cuộc thi, tủy theo tính chất, đặc điểm của từng thời kỳ lịch sử, cũng như đặc trưng của ngành mà mỗi cuộc thi hướng về một đề tài hay chủ đề nào đấy cho sát hợp. Cuộc thi có thể rộng hay hẹp về phạm vi quy mô và hạn định về thời gian, có ban giám khảo, hội đồng chấm thi và có trao giải thưởng. Đấy là việc làm khá bổ ích và đã thành truyền thống tốt trong đời sống văn nghệ nước nhà từ lâu.

    Cùng là một đứa con trong gia đình văn nghệ, dù là cả hay thứ thì hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ với chức năng là lượng giá, định hướng, dự báo cho hoạt động sáng tác và xuất bản thì chưa hề có bất cứ một cuộc thi nào dù dưới hình thức gì, mà chỉ có các hội văn học nghệ thuật căn cứ vào những cụng trình đó công bố thành sách để trao giải. Còn mọi cuộc tranh luận những vấn đề học thuật về văn hoá văn nghệ phần lớn đều là tự phát. Những nhà phê bình rất ít người nhận được sự hỗ trợ về kinh phí hay tham dự các trại nghiên cứu do các hội và các ngành tài trợ bao giờ. Có chăng họ chỉ nhận được một khoản tiền nào đó từ đơn đặt hàng viết theo yêu cầu của nhóm người nào đấy mà người ta quen gọi là dự án hay đề tài gì đó, hoặc của một nhà xuất bản. Những người này thật sự hiếm hoi không đủ đếm trên đầu ngón tay. Và tất nhiên nhà phê bình, lý luận bị chi phối toàn bộ cả về nội dung đề tài, cấu trúc công trình, hình thức thể hiện và cả thời gian nữa. Như vậy hỏi còn đâu là sáng tạo cá nhân của người cầm bút.

    Tính chất bất cập trong hoạt động lý luận phê bình văn hoá văn nghệ hiện nay là bà đỡ cho những cuộc non tranh luận già cãi vã rất thiếu văn hoá trên các báo và tạp chí. Không biết có phải những người tham gia tranh luận thích vạch áo cho người xem lưng bằng những lời lẽ thiếu văn hoá hay không, hay đấy là kết quả của sự thiếu công bằng xã hội mà họ muốn trả lại nó cho công chúng và những nhà quản lý văn nghệ. Điều đó ngày càng làm cho hoạt động này không những không phát triển kịp yêu cầu chức năng và nhiệm vụ của bản thân, mà còn làm cho nó trở thành một kẻ suy dinh dưỡng trầm trọng. Hậu quả tai hại là lý luận phê bình không theo kịp đời sống văn nghệ là một thực trạng đáng báo động như chúng ta đã thấy trong nhiều năm nay. Cuối cùng là các cơ quan chức năng phải dùng biện pháp hành chính để giải quyết những công việc của riêng văn học nghệ thuật mà các nhà phê bình lý luận vẫn còn mãi bận cãi vã nhau trên mặt báo.

    Thiết nghĩ trước thực trạng các cuộc tranh luận như vậy, các cơ quan quản lý văn hoá, văn nghệ và các báo, tạp chí cần suy nghĩ một cách thật sự nghiêm túc, sớm đem lại cho nó một môi trường văn hoá cần thiết trong các cuộc tranh luận nhằm góp phần làm cho đời sống văn nghệ nước nhà ngày càng thêm lành mạnh, sôi động và phát triển đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng yêu thích văn chương.

    Theo Nhà văn Đỗ Ngọc Yên( Văn nghệ quân đội)

     
    6312 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #165843   16/02/2012

    nvdcyah
    nvdcyah
    Top 500
    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:09/01/2012
    Tổng số bài viết (201)
    Số điểm: 1515
    Cảm ơn: 21
    Được cảm ơn 106 lần


    http://quechoa.info/2011/04/15/van-hoa-tranh-lu%E1%BA%ADn-n%E1%BB%97i-x%E1%BA%A5u-h%E1%BB%95-c%E1%BB%A7a-van-hoa-vi%E1%BB%87t/

    Văn hóa tranh luận, nỗi xấu hổ của văn hóa Việt

    Trong một cuộc gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã nói: “Báo chí đã thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của kỳ họp, đồng thời đóng góp rất lớn và phát triển của đất nước khi mà tranh luận xã hội đã đi cùng với phát triển trước những vấn đề lớn của đất nước, bước đầu đã hình thành văn hóa tranh luận trên báo chí…” Một lời khen đắng ngắt, trải qua gần hai thế kỉ báo chí nước nhà mới hình thành văn hóa tranh luận, quá buồn nhưng có vẻ như lời khen hơi quá.

    Liệu chúng ta đã hình thành văn hóa tranh luận hay chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Không phải không có những cuộc tranh luận có văn hóa, nhiều là đằng khác nhưng nó quá ít, như muối bỏ bể, nếu xét trên cái nền chung văn hóa tranh luận nước nhà hiện thời. Những đạo lý lỗi thời tồn đọng từ xưa tới nay trong tâm thức người Việt, nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong tranh luận, nói khác đi, khó có thể có văn hóa tranh luận khi mà sự vâng lời, tính tuân thủ, thói quen chấp hành vô điều kiện giữa lớn và bé, cao và thấp, to và nhỏ đang là triết lý sống của người Việt.

    Chưa bàn đến việc đó, ngay cả khi hoàn toàn được quyền tranh luận bình đẳng, không có sự cản trở nào của đạo lý cổ truyền hay các luật lệ đương thời, thì người ta cũng không đủ được bình tĩnh để bảo toàn cuộc tranh luận, không chóng thì chầy nó trở thành cuộc cãi lộn, chửi rủa, thóa mạ nhau. Mục đích tối thượng của tranh luận là tìm kiếm chân lý đã không được coi trọng, người ta đánh đồng liêm sĩ với chân lý, bảo vệ ý kiến của mình không còn là bảo vệ một chân lý khoa học mà bảo vệ liêm sĩ của cá nhân mình, khốn thay.

    Đấy là lý do để người ta không chịu tranh luận mà ngụy biện, tháu cáy lí lẽ, bẻ quẹo các khái niệm và đổ vấy đối phương bằng sự chụp mũ trắng trợn và thô bạo. Một nhà văn hóa đã nói: “Việc cá thể hóa một tranh luận là điểm khởi đầu hoàn hảo để biến nó thành chiến tranh.” Hoàn toàn chính xác. Một khi đánh đồng sự đúng sai với phẩm hạnh hay trình độ của người tranh luận thì kết cục tất yếu của mọi cuộc tranh luận sẽ là khinh rẻ và thù hằn nhau, không thể khác.

    Kể từ khi văn hóa mạng phát triển, các cuộc tranh luận ngày càng lâm vào tình trạng hỗn loạn, lắm khi không còn ra thể thống gì nữa. Một người lấy tên thật phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn kẻ lấy nick name ảo. Có nhiều lý do để người ta lấy nick ảo, nhưng với những kẻ giấu tên thật chỉ để chửi nhau, thóa mạ nhau cho dễ thì người có tên thật khác nào đương cự với đám đông những kẻ ném đá giấu tay. Xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc chửi rủa, thóa mạ bất tử. Không cần phải lý lẽ, nếu mày nói ngược lại điều tao muốn thì mày bị ăn chửi. Thật không gì tệ hại hơn.

    Về một bài viết nổi tiếng của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã làm cho anh quá mệt mỏi không phải vì những chỉ trích nghiêm túc, chỉ vì anh không thể nói chuyện được với những kẻ “mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ….muốn ỉa quá!” và “thóa mạ anh bằng thứ ngôn từ hàng chợ, gọi anh là “giáo sư cừu gặm cỏ”. (Theo nhà báo Trương Duy Nhất).

    Có lẽ đó là lý do Ngô Bảo Châu buộc phải đóng cửa blog Thích học toán của mình, cũng là lý do vì sao văn hóa tranh luận nước nhà bị coi là nỗi xấu hổ của văn hóa Việt.

     
    Báo quản trị |