Quyền khởi kiện và tư cách đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được quy định như thế nào?
Tài sản chung của dòng họ là gì?
Khoản 1 Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
Như vậy, tài sản chung của dòng họ là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Và cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 thì các thành viên của dòng họ sẽ cùng nhau quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung (dựa theo nguyên tắc thỏa thuận hoặc theo tập quán) vì lợi ích chung của dòng họ nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ: Nhà từ đường, nhà thờ họ, đồ vật dùng vào việc thờ cúng,... là những tài sản được hình thành theo tập quán hoặc do các thành viên của dòng họ đóng góp, quyên góp hoặc thỏa thuận tạo nên nhằm mục đích phục vụ cho các thành viên dòng họ.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 211 Bộ luật dân sự 2015: "Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia”. Như vậy, tài sản chung của dòng họ có thể gồm rất nhiều loại và được xem là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không chia được.
Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ?
Theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP) thì thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Và các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ.
Đối với vấn đề quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ, Điều 3 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP có quy định:
- Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.
Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP, đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định như sau:
- Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
- Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.