Theo số liệu tổng kết của TAND tối cao năm 2010, cả nước có 88.591 vụ ly hôn. Khi tình trạng hôn nhân trở nên trầm trọng đến mức vợ chồng không thể chung sống với nhau được nữa thì ly hôn được xem như một giải pháp thỏa đáng nhất. Tuy nhiên, việc ly hôn lại kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp từ phân chia tài sản chung của 2 vợ chồng đến việc giành quyền nuôi dưỡng con cái.
Ly hôn theo pháp luật được chia làm hai trường hợp là ly hôn theo sự đồng thuận của hai bên (nghĩa là thuận tình ly hôn theo thuật ngữ pháp lý) và ly hôn theo yêu cầu một bên. Ly hôn dù theo hình thức nào thì đều phải trải qua quá trình hòa giải tại tòa, nếu hòa giải không thành thì Tòa sẽ xem xét giải quyết ly hôn. Ly hôn theo sự đồng thuận của hai bên nghĩa là hai vợ chồng đã thỏa thuận được với nhau về việc trông nom, nuôi dưỡng con cái cũng như việc phân chia tài sản chung, nếu thỏa thuận này là phù hợp thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Ngược lại nếu đôi bên không thỏa thuận được thì trường hợp này không được Tòa án công nhận là thuận tình ly hôn.
Khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, có hai vấn đề phức tạp chính mà Tòa án phải giải quyết đó chính là phân chia tài sản chung của hai vợ chồng và quyền nuôi con.
Quyền nuôi con là quyền thiêng liêng của các bậc làm cha, mẹ. Khi giải quyết các vấn đề sau ly hôn, nguyên tắc thỏa thuận của các bên vợ chồng được ưu tiên hàng đầu, vì thế những đứa con sẽ được giao cho một bên cha hoặc mẹ trông nom, nuôi dưỡng trên cơ sở tự thỏa thuận của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của người con. Y học khuyến cáo rằng, để con cái được phát triển bình thường thì trong 3 năm đầu đời cần có mẹ bên cạnh. Cũng theo luật về hôn nhân và gia đình, con dưới 3 tuổi được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác và người bố hoàn toàn có quyền được thăm nom trong thời gian này, chính vì vậy, trong trường hợp này nếu người vợ hoặc chồng từ chối nuôi con mà người còn lại có điều kiện đủ và tốt hơn để nuôi dưỡng con thì hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận người trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, khi con từ đủ 9 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con, lưu ý rằng nguyện vọng này chỉ là một ý kiến kiến để Tòa án tham khảo khi đưa ra quyết định cuối cùng chứ không buộc Tòa án phải tuân thủ theo ý kiến đó.
Phân định tài sản: theo các quy định pháp luật về ly hôn thì tài sản riêng của bên nào thuộc sở hữu riêng của bên đó, tức cần xác định phần tài sản trước hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân. Đối với phần tài sản riêng của mỗi bên mà trước khi kết hôn chưa góp vào tài sản chung thì vẫn thuộc quyền sở hữu của mỗi bên nếu như chứng minh được phần tài sản đó thuộc sở hữu riêng của mình. Còn về tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì theo nguyên tắc sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, căn cứ vào hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản thì phần tài sản chung đó có thể sẽ được chia lại theo một tỉ lệ phù hợp.
Thông thường, trong nhiều gia đình, người chồng vẫn là lao động chính, là người tạo ra thu nhập nuôi sống cả gia đình còn người vợ chỉ làm công việc nội trợ. Chính vì vậy trong nhiều vụ ly hôn, người chồng thường dựa vào lý do đó cho rằng tất cả tài sản, của cải trong gia đình là họ làm ra và phải thuộc về họ, người vợ không hề có phần. Tuy nhiên, pháp luật về Hôn nhân và gia đình đã nêu rõ: lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Vì thế, người vợ hoàn toàn có quyền căn cứ vào quy định trên để xác lập phần quyền của mình đối với tài sản trong hôn nhân.Về nguyên tắc, tài sản sẽ được chia đôi. Tuy nhiên, có những tài sản là hiện vật mà việc chia đôi sẽ làm mất đi giá trị của tài sản. Đối với trường hợp đó thì bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Phần tài sản sau ly hôn gây nhiều khó khăn trong việc phân chia đó là quyền sử dụng đất và nhà cửa. Pháp luật quy định rõ: quyền sỡ hữu nhà và quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất của riêng bên nào thì khi ly hôn thuộc thuộc về bên đó. Nếu chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện sử dụng trực tiếp tài sản nêu trên trực thì bên đó phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ đáng được hưởng. Tuy nhiên, nếu như cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng tài sản đó thì được chia theo thỏa thuận. Nhưng một số quy định khác của Luật đất đai sẽ hạn chế việc chia nhỏ đất đai, nếu hai bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không phù hợp với quy định pháp luật thì Tòa án sẽ giải quyết.
Trên thực tế, việc nhà thuộc sở hữu của một bên được đưa vào sử dụng chung trong thời gian hôn nhân, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng chung là căn cứ xác định tài sản này là nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà và chỉ phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị căn nhà nếu như có sự đóng góp của bên còn lại trong việc bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa nhà.
Hiểu biết các quy định pháp luật sẽ giúp chúng ta bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn gửi đến một thông điệp cho mọi người rằng: hãy cố gắng gìn giữ tình cảm gia đình, cùng chung vai xây dựng một tổ ấm, san sẻ những khó khăn, giải quyết những bất đồng dựa trên tinh thành xây dựng, góp ý cho nhau cùng hoàn thiện. Lời cuối cùng xin chúc tất cả các gia đình trăm năm hạnh phúc.
Nguồn :http://plf.vn
Sinh Viên Luật Hồ Chí Minh