Tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

Chủ đề   RSS   
  • #360774 04/12/2014

    chibanght

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:20/05/2013
    Tổng số bài viết (3)
    Số điểm: 135
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

    1. Dẫn nhập

    Ngày 07.08.2010 lời cảnh báo trên đã thành hiện thực, khi Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã có Đơn khiếu nại gửi Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đồng gửi các cơ quan báo chí về việc Trường Đại học Công nghệ Đông Á xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Đại học Đông Á” do Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) là chủ sở hữu.

    Nhận thấy rằng đây là một vấn đề cần nghiên cứu để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng tranh chấp về nhãn hiệu giữa các trường đại học và cũng góp phần để các trường đại học khẳng định tài sản trí tuệ của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tác giả đã tiến hành khảo sát tổng thể các nhãn hiệu của các trường đại học tại Việt Nam.

    Để có tư liệu viết bài này, chúng tôi đã sử dụng các nguồn thông tin: 1. Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục SHTT phát hành; 2. Một số văn bản hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành; 3. Các tin tức thời sự đăng trên báo chí hoặc trên Internet. Cũng cần nhắc lại là các nguồn thông tin này thuộc đối tượng loại trừ không được bảo hộ quyền tác giả theo điều 15 Luật SHTT.

    2. Khái quát về nhãn hiệu – đối tượng của quyền SHTT

    Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đối tượng của quyền SHTT bao gồm: quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng.

    Điều 4.16 Luật SHTT định nghĩa Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Điều 72.1 cũng lưu ý nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, ��ược thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Nếu nhãn hiệu tồn tại ở dạng các chữ cái thì tập hợp các chữ cái này phải phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa (trong trường hợp có nghĩa thì nghĩa của nó không đi ngược lại các quy phạm đạo đức). Bởi vậy, nhãn hiệu của một trường đại học có thể mang chính tên của trường đó và cũng có thể không cần phải mang tên trường đó.

    Tên trường đại học và nhãn hiệu của trường đại học là các đối tượng khác nhau. Quyền đối với tên trường đại học tự động phát sinh kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng quyền đối với nhãn hiệu thì không tự động phát sinh, nó chỉ phát sinh với 2 điều kiện:

    - Trường đại học có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

    - Được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

    Mặt khác, theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris (Việt Nam là thành viên của Công ước này từ 08.3.1949) về bảo hộ sở hữu công nghiệp quy định, nếu quốc gia nào cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì chỉ có hiệu lực bảo hộ trên chính lãnh thổ quốc gia đó, có nghĩa là nhãn hiệu do Cục SHTT Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ thì nó chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Hay nói cách khác, nếu trường đại học định mở cơ sở của mình ở nước ngoài thì họ bắt buộc phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại chính quốc gia đó.

    Điểm cần lưu ý nữa là việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài không phát sinh trên cơ sở tên trường đại học, mà theo quy định của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid nó phải dựa trên cơ sở nhãn hiệu do quốc gia xuất xứ cấp hoặc theo quy định của Nghị định thư Madrid nó phải dựa trên cơ sở đơn yêu cầu quốc gia xuất xứ bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy, các trường đại học chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi không sở hữu hợp pháp nhãn hiệu (mặc dù được sở hữu hợp pháp tên gọi trường đại học), điều trớ trêu là có khi phải mua hoặc thuê lại chính tên gọi của trường mình (khi đó đã là nhãn hiệu của trường đại học khác). Chúng tôi sẽ chứng minh nhận định này bằng các trường hợp thực tiễn ngay trong các mục dưới đây của bài viết.

    3. Kết quả khảo sát về nhãn hiệu giáo dục và đào tạo

    Theo khảo sát của tác giả qua dữ liệu tại Cục SHTT, cho đến ngày 31.12.2010 Cục SHTT đã cấp 1083 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên phạm vi toàn quốc, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học… (do số lượng khoảng vài ngàn đơn yêu cầu bảo hộ, nên chúng tôi chỉ thống kê số nhãn hiệu đã được bảo hộ).

    Trong số đơn yêu cầu bảo hộ cho nhãn hiệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo nói chung, có 93 đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của các trường đại học, trong đó Cục SHTT chỉ cấp 34 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các trường học, trong số này có 3 trường đại học hiện sở hữu 02 nhãn hiệu, như vậy chỉ có 31 trường đại học trên phạm vi toàn quốc đang sở hữu nhãn hiệu.

    Các trường đại học sở hữu 2 nhãn hiệu là: Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ, có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Hồng Bàng (trong cơ sở dữ liệu tại Cục SHTT vẫn ghi Trường Đại học Hồng Bàng có trụ sở tại số  03 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không ghi Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, như vậy trường này đang sở hữu nhãn hiệu khác với tên gọi hiện hành của mình).

    4. Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ

    Như trên đã nói, chỉ có 34/93 đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, như vậy số lượng đơn yêu cầu bảo hộ bị từ chối bảo hộ chiếm đến 63,4%, tỷ lệ từ chối bảo hộ là quá lớn. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ? Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi xin phân tích 2 trường hợp trong số các đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ.

    Trường hợp 1:

    Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Trường Đại Học Văn Hiến 1997 VAN HIEN UNIVERSITY, hình do Trường đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở tại AA2, đường D2, khu Văn Thánh Bắc, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh nộp ngày 31/03/2008 cho nhóm 41: Dịch vụ giáo dục, đào tạo. (Xin xem mẫu kèm theo).

    Ngày 04.8.2009 Cục SHTT ra công văn số 44180/SHTT-NH2 từ chối bảo hộ toàn bộ nhãn hiệu này với lý do:

    - Phần chữ tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu quốc gia số 78303, theo quy định tại điều 74.2.e. Luật SHTT: thì nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt vì không phải là nhãn hiệu liên kết mà trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Tra cứu đăng bạ quốc gia số 78303, chúng tôi nhận thấy ngày 26.02.2005 Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu VH VAN HIEN JSC, hình cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dịch vụ tổng hợp Văn Hiến có trụ sở tại tầng 2 Khách sạn Tuổi trẻ số 2 Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho các nhóm dịch vụ số 35, 37, 41, 43 (lưu ý Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dịch vụ tổng hợp Văn Hiến không phải là một trường nhưng cũng có chức năng đào tạo và được sở hữu nhãn hiệu nhóm 41, trùng với nhóm 41 mà Trường Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh đề nghị).

    - Phần hình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của dịch vụ, theo điều 73.5 Luật SHTT: nhãn hiệu chứa“dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ”. Xin độc giả hãy quan sát phần hình của nhãn hiệu kèm theo, chúng ta thấy nó tương tự với hình của Văn miếu Quốc Tử Giám.

    Trường hợp 2:

    Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu SGU Đại Học Sài Gòn SAIGON UNIVERSITY, hình do Trường Đại học Sài Gòn có trụ sở tại 273 An Dương Vương, phường 3, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nộp ngày 06/06/2008 (có mẫu kèm theo) cho nhóm 16: Tạp chí (định kỳ), nhóm 41: Dịch vụ giáo dục giảng dạy; dạy học; dạy nghề; dạy ngoại ngữ; tư vấn du học; tổ chức các cuộc thi giáo dục hoặc giải trí, nhóm 43: Nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ.

    Ngày 24.3.2010 Cục SHTT đã ra công văn số 12144/SHTT-NH1 từ chối bảo hộ nhãn hiệu theo yêu cầu của Trường Đại Học Sài Gòn với lý do theo điều 74.2.e. Luật SHTT thì nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt vì không phải là nhãn hiệu liên kết mà trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

    Tài liệu đối chứng là đăng bạ quốc gia số 78862, chúng tôi đã tra cứu đăng bạ này và tìm ra nguyên nhân, trước đó vào ngày 26.3.2007 Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu SAI GON TECHNOLOGY UNIVERSITY STU DAI HOC SAI GON cũng cho nhóm dịch vụ số 41 và 42 do Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn là chủ sở hữu.[3]

    Đây là trường hợp khá hy hữu vì xảy ra giữa 2 trường đại học, tra cứu trong các tài liệu, chúng tôi nhận thấy:

    - Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn (tiền thân là Trường Đại học Dân lập Kỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tháng 04.2004 theo Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg), sau đó trường đổi tên thành Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn vào tháng 03.2005 theo Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

    - Trường Đại học Sài Gòn được thành lập ngày 25.04.2007 theo Quyết định số 478/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

    Như vậy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN do Cục SHTT cấp có hiệu lực về thời gian trước Quyết định số 478/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sài Gòn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời không phân tích về xung đột pháp lý giữa văn bằng số 78863 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 25.01.2007 với Quyết định số 478/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25.04.2007.

    5. Tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

    Hiện tượng các trường đại học có tên tương tự nhau trên phạm vi toàn quốc là điều không thể tránh khỏi, chúng ta thử phân tích trường hợp:

    - Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh)

    - Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng)

    Hai trường đại học này có tên gọi tương tự nhau, trong đó các cụm từ: - Trường; – Đại học; – Công nghệ; – Đông Á; không có khả năng phân biệt, bởi vậy không được bảo hộ riêng rẽ với tư cách là nhãn hiệu, mà chỉ có thể được bảo hộ tổng thể (kèm hình).

    Như trên đã phân tích, quyền đối với tên 2 trường đại học này được tự động phát sinh tại thời điểm quyết định cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng chỉ có Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) là đăng ký với Cục SHTT yêu cầu được bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Đại học Đông Á”.

    Ngày 07.08.2010 Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã có Đơn khiếu nại gửi Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đồng gửi các cơ quan báo chí về việc Trường ĐH Công nghệ Đông Á vi phạm sở hữu nhãn hiệu “Đại học Đông Á”. Vậy bản chất của việc này là thế nào? Theo những thông tin mà chúng tôi tra cứu thì:

    - Trường Đại học Công Nghệ Đông Á (Bắc Ninh) được thành lập theo quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày09/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ. Trường Đại học Công nghệ Đông Á cơ sở chính đặt tại làng Đại học Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

    - Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) khi còn là Trường Cao đẳng Đông Á đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu vào năm 2005, được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngày 8/12/2008.[4]

    Như vậy, có hay không xung đột pháp lý giữa Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 09/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp ngày 08/12/2008? Đây là vấn đề lớn, có lẽ không thể bàn trong bài viết này được. Chúng tôi xin đề cập một phần về việc này tại mục kết luận.

    6. Dự báo tiếp xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

    Khả năng xảy ra tranh chấp trong trường hợp nhãn hiệu Đại học Sài Gòn như đã phân tích trong mục 5 là hoàn toàn có thể, khi mà Trường Đại học Sài Gòn không được sở hữu nhãn hiệu Đại học Sài Gòn, mà quyền sở hữu nhãn hiệu này lại thuộc về một trường đại học khác.

    Chúng tôi đưa ra một dự báo nữa có thể xảy ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khi xét trường hợp sau đây.

    Nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ, hình (xin tham khảo mẫu kèm theo) do Trường Đại học Hà Nội có trụ sở tại Km 9 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội nộp đơn yêu cầu bảo hộ ngày 10.01.2007 và được Cục SHTT công bố văn bằng bảo hộ ngày 25.07.2008.

    Trường Đại học Hà Nội (trước đây có tên gọi là Trường Đại học Ngoại ngữ) nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ khi Trường này đã được mang tên mới. Nhãn hiệu nêu kèm theo đã trùng với tên gọi Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN.

    Chúng ta biết rằng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ được đổi tên thành Trường Đại học Ngoại ngữ khi trở thành đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN, thời điểm đổi tên chắc chắn là trước ngày 10.01.2007 (thời điểm Đại học Hà Nội nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ).

    Hệ quả là để trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN chỉ còn cách mua lại nhãn hiệu mang chính tên trường mình từ Trường Đại học Hà Nội.

    7. Kết luận

    - Với số lượng chỉ có 31 so với tổng số trên 400 trường đại học đã đăng ký để được sở hữu hợp pháp 34 nhãn hiệu, có thể nói rằng việc quản lý nhãn hiệu của trường đại học chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường đại học đã không thấy được tầm quan trọng của nhãn hiệu trong quá trình hội nhập quốc tế;

    - Việc tranh chấp và khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học là có thật, nguyên nhân thuộc về các trường đại học có một phần, phần khác thuộc về quy định pháp luật cho hoạt động của hệ thống quản lý và thực thi quyền SHTT, khi mà quyền quản lý tên thương mại và nhãn hiệu lại thuộc về các cơ quan khác nhau, sự phối hợp giữa các cơ quan này không đồng bộ. Chúng tôi sẽ đề cập đến việc này tại một nghiên cứu khác.,.

    Dịch vụ đăng ký logo tại Oceanlaw. Tư vấn đăng ký nhãn hiệu, thu tuc gia han nhan hieu hoàn toàn miễn phí.

     
    6250 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #374919   18/03/2015

    vuhongminhnd70
    vuhongminhnd70

    Sơ sinh

    Nam Định, Việt Nam
    Tham gia:22/08/2011
    Tổng số bài viết (2)
    Số điểm: 10
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    Bách khoa đặt tên Bphone có vi phạm sở hữu trí tuệ với iphone không?

     
    Báo quản trị |  
  • #374951   19/03/2015

    ntdieu
    ntdieu
    Top 10
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Đồng Nai, Việt Nam
    Tham gia:11/02/2009
    Tổng số bài viết (14968)
    Số điểm: 100035
    Cảm ơn: 3515
    Được cảm ơn 5369 lần


    Chữ B với chữ i có giống nhau hay không mà nói rằng Bphone vi phạm sở hữu trí tuệ với iphone ?

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn ntdieu vì bài viết hữu ích
    vuhongminhnd70 (19/03/2015)
  • #374986   19/03/2015

    vuhongminhnd70
    vuhongminhnd70

    Sơ sinh

    Nam Định, Việt Nam
    Tham gia:22/08/2011
    Tổng số bài viết (2)
    Số điểm: 10
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    Cám ơn bạn ntdieu đã trả lời câu hỏi của mình. Nhưng bản thân mình vẫn thấy lăn tăn với câu trả lời của bạn chưa thấy thuyết phục. Bạn đã căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào? Bạn chỉ giúp mình nhé. Trân trọng cám ơn  

     
    Báo quản trị |  
  • #376957   01/04/2015

    ambercapital
    ambercapital

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:26/06/2014
    Tổng số bài viết (14)
    Số điểm: 235
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 3 lần


    Theo mình ấy, nếu xét về góc độ mà Bphone chỉ đăng ký là nhãn hiệu chữ không thôi thì Bphone không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Iphone. Vì nhãn hiệu dùng để phân biệt. Khi nói đến Iphone chắc chắn người ta sẽ không thể nhầm lẫn với Bphone được. Có thể một người nông dân ở quê thấy tiệm cầm đồ ACB thì biết đó là tiệm cầm đồ chứ không phải biết ACB là một ngân hàng có thêm dịch vụ cầm đồ. Như vậy hoàn toàn không hề có sự nhầm lẫn ở đây. Mình nghĩ Bphone và Iphone cũng vậy. Người mua chắc chắn không thể nhầm lẫn giữa hai thương hiệu này. Mình nghĩ vậy. Mọi người nghĩ sao

     
    Báo quản trị |