Căn cứ pháp luật của vấn đề "tiền thưởng" như sau
Luật lao động
Điều 64. Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Nghị định 114/2002
Điều 11. Việc thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo Điều 64 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung được quy định như sau:
1. Đối với doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, doanh nghiệp trích lập quỹ khen thưởng từ lợi nhuận sau thuế để thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Mức trích lập quỹ khen thưởng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Đối với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể mà hai bên đã thỏa thuận.
3. Các doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành Quy chế thưởng để thực hiện đối với người lao động sau khi tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Quy chế thưởng phải được công bố công khai trong doanh nghiệp.
Như vậy có thể hiểu rằng doanh nghiệp có nghĩa vụ ban hành quy chế thưởng. Do vậy vấn đề có tiền thưởng hàng năm là quyền của người lao động (trả lời cho câu hỏi Yes/No). Tuy nhiên có tiền thưởng nhiều đến mức nào (trả lời cho câu hỏi How Much) thì không phải là quyền nữa, mà nó là lợi ích. Lợi ích này tùy thuộc vào mức độ tác động/khả năng đàm phán của công đoàn trong quá trình xây dựng thỏa ước lao động tập thể, hoặc khi được tham khảo ý kiến về quy chế thưởng
Lưu ý là Nghị định chỉ bắt buộc tham khảo ý kiến, không bắt buộc doanh nghiệp phải đạt được thỏa thuận với công đoàn khi ban hành quy chế thưởng.
Trở lại vấn đề mà bạn Nhị đã đặt ra
1. Như đã nói trên, nếu doanh nghiệp đã đã công bố mức thưởng và mức này không trái với có quy chế thưởng (hoặc khi chưa có quy chế thưởng) thì coi như doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc đòi hỏi một mức thưởng cao hơn của tập thể người lao động là tranh chấp về lợi ích. Theo khoản 4 điều 164 Luật lao động thì Hội đồng trọng tài lao động có thể tiến hành hòa giải các tranh chấp về lợi ích, không có quyền đưa ra phán quyết đúng/sai.
2. Trong Luật lao động không có khái niệm "đuổi việc", chỉ có "đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động" hoặc "sa thải", và phải theo đúng quy định. Khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải trái pháp luật thì đó là tranh chấp lao động cá nhân, cho dù lý do sa thải có vẻ liên quan đến tranh chấp lao động tập thể.
Trên đây là vài ý kiến của tôi, cũng không chắc 100%. Mong mọi người cho ý kiến thêm.