Tranh chấp hợp đồng tín dụng

Chủ đề   RSS   
  • #263614 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Số hiệu

    107/2006/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Ngày ban hành

    12/05/2006

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:107/2006/KDTM-PT

    Ngày 12/5/2006

    V/v tranh chấp Hợp đồng

    tín dụng

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------N.8

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Tiến;

    Các Thẩm phán: Ông Cù Đình Thắng;

    Ông Ngô Anh Dũng.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Quốc Tuấn cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội.

    Ngày 12 tháng 5 năm 2006 tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số03/2006/TLPT-KDTM ngày 06 tháng 2 năm 2006 về tranh chấp hợp đồng tín dụng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số1115/2006/QĐXX-PT ngày 25 tháng 4 năm 2006 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ngân hàng ngoại thương Việt Nam; địa chỉ: 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Việt Cường nay là phó phòng tín dụng ngắn hạn hội sở chính Ngân hàng ngoại thương Việt Nam là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (văn bản ủy quyền số65/UQ-NHNT-PC ngày 19/5/2004); có mặt.

    Bị đơn: Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định: đai chỉ: số 8 (nay là số 16) đường Tô Hiệu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

    Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn An là người đại diện theo pháp luật của bị đơn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định); có mặt.

    NHẬN THẤY

    Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

    Công ty điện tử điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, được thành lập theo Quyết định số435/QĐ-UB ngày 14/10/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà với chức năng kinh doanh là sản xuất,lắp ráp, bảo hành, sửa chữa và xuất nhập khẩu các sản phẩm điện tử, điện lạnh, cơ điện.

    Ngày 12/10/1993, Công ty được Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cấp giấy phép hợp tác kinh doanh số 690/GP và Công ty đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Zanussi International Spa (Italia) để lắp ráp tủ lạnh.

    Trên cơ sở luận chứng kinh tế kỹ thuật và phương án kinh doanh của Công ty được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định số1125/QĐ-UB ngày 21/10/1993 và Công văn đề nghị vay vốn số 12/VP6 ngày 04/02/1004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký 03 hợp đồng tín dụng cho Công ty vay vốn thực hiện hợp dồng liên doanh với Công ty Zanussi International Spa cụ thể:

    1. Hợp đồng tín dụng ngoại tệ số 01/NHNT ngày 19/5/1995 với số tiền vay là 300.000 USD, thời hạn 6 tháng, lãi suất 8%/năm.

    2. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn ngoại tệ số 02/NHNT ngày 22/6/1995 với số tiền vay là 171.992,67 USD, thời hạn 1,5 tháng.

    3. Hợp đống tín dụng ngắn hạn ngoại tệ số 03/NHTN ngày 24/8/1995 với số tiền vày là 185.121,58 USD, thời hạn vay 45 ngày.

    Tài sản đảm bảo thanh toán cho 03 hợp đồng là quyền sử dụng khu đất 6159 mvà tài sản gắn liền trên đất của Công ty điện tử - điện lạnh tại số 8 đường Tô Hiệu, thành phố Nam Định, theo giấy cam kết thế chấp tài sản ngày 04/5/1994 có xác nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà.

    Cả 03 hợp đồng đều có thời hiệu kể từ ngày ký đến khi Ngân hàng ngoại thương Việt Nam thu hồi hết nợ.

    Để thu hồi vốn, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đã đôn đốc và thực hiện biện pháp quản lý như giữ hàng tại kho Công ty. Do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hàng hóa tiêu thụ chậm..v.v.. nên Công ty không thanh toán được nợ. Theo đề nghị của Công ty và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đã đồng ý cho Công ty trả tiền gốc trước, trả tiền lãi sau và cho Công ty được xử lý giãn nợ theo Thông tư liên tịch số03/1997/TTLT-NHNN-BTC ngày 22/11/1997. Ngày 30/12/1998, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam có công văn số341/CV-NHNT thông báo kết quả xử ký nợ quá hạn của Công ty. Theo đó, tổng số nợ gốc quá hạn là 580.672,22 USD được giãn nợ 36 tháng kể từ ngày 31/7/1998. Sau 3 năm giãn nợ, đến ngày 31/7/2001 Công ty cũng chỉ duy trì tình trạng kinh doanh cầm chừng, do đó vẫn không có khả năng trả nợ.

    Từ năm 2001 đến năm 2003 Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đã có biên bản kéo dài thời hạn trả nợ cho Công ty (các Biên bản ngày 27/12/2001; 31/10/2002; 18/7/2003).

    Thực hiện Quyết định số2329/2003/QĐ-UB ngày 04/9/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Công ty điện tử - điện lạnh Nam Định đã làm xong thủ tục chuyển đổi thành Công ty cổ phần điện tử - điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định. Ban lãnh đạo mới của Công ty cổ phần được giữ nguyên.

    Tại Biên bản làm việc này 14/11/2003 Công ty cổ phần điện tử - điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định cam kết kế thừa nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ tồn tại trước khi cổ phần hóa và xây dựng lịch trả nợ trước ngày 31/12/2003 nhưng dù đã hết sức cố gắng, Công ty vẫn không trả được nợ cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

    Ngày 19/5/2004, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam khởi kiện vụ án ra Tòa án tỉnh Nam Định yêu cầu Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định phải thanh toán cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam số tiền nợ cả gốc và lãi tính đến ngày 06/5/2004 là 1.106.299,68 USD, trong đó tiền gốc 527.583,22 USD và tiền lãi là 578.716,46 USD.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, Đại diện Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định thừa nhận khoản nợ cả gốc và lãi đối với Ngân hàng ngoại thương như trên là đúng, đống thời xác nhận nghĩa vụ kế thừa việc thanh toán toàn bộ số nợ trên. Công ty đã đề nghị Ngân hàng xem xét cho Công ty được khoanh toàn bộ số tiền gốc 527.583,22 USD và xóa toàn bộ lãi phát sinh là 578.716,46 USD theo quy định tại Điều 12 Nghị định số69/2003/TT-NHNN ngày 12/7/2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thông tư số05/2003/TT-NHNN ngày 24/02/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Ngày 13/11/2004, ông Đinh Văn Mười – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định và có ý kiến sẽ xem xét để áp dụng Nghị định69/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số05/2003/TT-NHNN ngày 24/02/2003 cho Công ty với điều kiện Công ty phải trả ngay 300.000.000 đồng và 6 tháng sau phải trả tiếp 700.000.000 đồng, đồng thời lên kế hoạch thanh toán nợ cụ thể và thực tế hơn.

    Ngày 17/11/2004, Công ty đã trả nợ được 300.000.000 đồng tương đương với 20.355 USD.

    Để có cơ sở trước khi quyết định có cho Công ty được khoanh nợ gốc và xóa lãi hay không, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đã có công văn xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngày 17/01/2005, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số55/CV-TD trả lời như sau: trường hợp các doanh nghiệp Nhà nước đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi (đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền) thì không thuộc đối tượng được xử lý nợ theo quy định tại Thông tư số05/2003/TT-NHNN ngày 24/02/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị định số69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ.Công ty điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định đã được chuyển đổi thành Công ty cổ phần và đã đi vào hoạt động được hơn một năm nên không thuộc đối tượng được xử lý nợ theo Thông tư số05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức là không được thanh toán nợ gốc và xóa nợ lãi phát sinh.

    Tính đến ngày 27/12/2005, thì Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định còn nợ Ngân hàng ngoại thương Việt Nam số tiền gốc là 507.248,22 USD, số tiền lãi là 713.662,81 USD, tổng cộng là 1.220.911,03 USD.

    Tại bản án số04/2005/KDTM-ST ngày 28/12/2005, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã căn cứ điểm m khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 22; khoản 1 Điều 29; Điều 41 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế; Điều 14; điểm e khoản 1 Điều 15 Nghị định số 70/CP quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu đòi nợ theo đơn khởi kiện của nguyên đơn (Ngân hàng ngoại thương Việt Nam).

    2. Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định ( bị đơn) phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam số nợ tín dụng gồm tiền gốc 507.248,22 USD và tiền lãi 713.662,81 USD. Tổng cộng 1.220.911,03 USD quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hối đoái hiện hành là: 1.220.911,03 USD x 15.989 VN Đ = 19.410.043.000 đồng Việt Nam. Thời hạn để bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết đinh án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 09/01/2006, bị đơn là Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định do ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch Hội đồng quản trị đại diện có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị cho Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định được hưởng quy chế quy định tại Điều 12 Nghị định69/2002/NĐ-CP của Chính phủ, tức là được khoanh nợ gốc và xóa nợ lãi. Trường hợp không cho Công ty được khoanh nợ gốc, xóa lãi treo thì cho phép Công ty được bán tài sản thế chấp để trả nợ gốc và miễn giảm cho Công ty khoản lãi treo.

    Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông Nguyễn Văn An đại diện cho phía bị đơn đề nghị là được trả đủ số tiền gốc và xin miễn giảm khoản tiền lãi; còn yêu cầu cho Công ty được áp dụng Nghị định 69 của Chính phủ thì không yêu cầu nữa;

    Ông Nguyễn Việt Cường đại diện cho phía nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm,

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

    Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn chỉ còn yêu cầu xem xét miễn giảm khoản tiền lãi; đo đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 256 Bộ luật tố tụng dân sự, thì Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần vụ án mà phía bị đơn đã rút kháng cáo.

    Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định phải thanh toán trả cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam số tiền gốc là 507.248,22 USD và tiền lãi là 713.662,81 USD, tổng cộng là 1.220.911.03 USD tương đương với 19.410.043.000 đồng tiền Việt Nam là có căn cứ, đùng pháp luật.

    Tại phiên tòa phức thẩm Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm tức là vẫn yêu cầu Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định phải trả đủ số tiền gốc và tiền lãi tổng cộng là 1.220.911,03 USD và căn cứ vào các hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký kết cũng như các quy định của pháp luật hiện hành thì không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định về việc miễn giảm khoản tiền lãi.

    Vì các lẽ trên,

    QUYẾT ĐỊNH

    Căn cứ khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự,

    Giữ nguyên bản án sơ thẩm:

    Căn cứ điểm m khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 22; khoản 1 Điều 29; Điều 41 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế,

    1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ngân hàng ngoại thương Việt Nam;

    2. Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam số tiền gốc là 507.248,22 USD và số tiền lãi là 713.662,81 USD; tổng cộng là 1.220.911,03 USD tương đương 19.410.043.000 đồng Việt Nam;

    3. Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định phải chịu án phí kinh tế phúc thẩm là 200.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí kinh tế phúc thẩm đã nộp là 200.000 đồng theo Biên lai số 009832 ngày 20/01/2006 của Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Nam Định; Công ty cổ phần điện tử, điện lạnh và dịch vụ tổng hợp Nam Định đã nộp đủ án phí kinh tế phúc thẩm;

    4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị;

    5. Bán án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

     

    CÁC THẨM PHÁN

    Cù Đình Thắng Ngô Anh Dũng

    (đã ký) (đã lý)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Nguyễn Văn Tiến

    (đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 03:43:42 CH
     
    8255 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận