Hành vi chiếm giữ sổ đỏ (GCN quyền sử dụng đất) trái phép phải chịu trách nhiệm như thế nào? Người bị chiếm giữ sổ đỏ muốn đòi lại sổ đỏ thì nên làm cách nào?
Trước hết, muốn xem xét trách nhiệm pháp lý của hành vi chiếm giữ sổ đỏ chúng ta phải xác định được sổ đỏ có phải là tài sản hay không.
Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản;
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Và khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định:
“8. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Ngoài ra, Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền tài sản như sau:
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Khái niệm về sổ đỏ (GCN quyền sử dụng đất) được quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau:
“GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Qua quy định trên, chúng ta thấy rằng sổ đỏ chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng đất cá nhân, tổ chức, GCN quyền sử dụng đất. Trong đó, quyền sử dụng đất mới là quyền tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015. Do vậy, GCN quyền sử dụng đất không được coi là tài sản.
Bởi lẽ đó, hành vi giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố cấu thành tội phạm (tội chiếm giữ trái phép tài sản) theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Tuy nhiên, trường hợp hành vi chiếm giữ dùng sổ đỏ để uy hiếp người khác làm theo ý mình như bắt phải đưa tiền hoặc tài sản có thể bị coi là hành vi dùng thủ đoạn uy hiếp tình thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi vi phạm này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.
>>> Hướng giải quyết đối với trường hợp bị chiếm hữu sổ đỏ trái pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình không nhất thiết phải gửi đơn tố giác đến cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chiếm giữ không chịu trả thì chủ sở hữu sổ đỏ có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp lại GCN với lý do bị mất theo quy định tại Điều 77 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất GCN, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
2.Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất GCN nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GCN.
3.Văn phòng ĐKĐĐ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy GCN bị mất, đồng thời ký cấp lại GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; …”.