Quyền bí mật đời tư
được qui định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, khái niệm
“bí mật đời tư” và “quyền bí mật đời tư” chưa được qui định một cách cụ
thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau (Xem bài “Bàn về khái niệm bí mật
đời tư” – cùng một tác giả, Tạp chí Nghề luật, số 4 năm 2007, trang 17).
Xuất phát từ lý do này, thực tiễn xét xử thời gian vừa qua cho thấy có
nhiều quan điểm khác nhau về bí mật đời tư cũng như xác định hành vi xâm
phạm bí mật đời tư. Để góp phần đưa ra được cách hiểu thống nhất về bí
mật đời tư cũng như xác định hành vi xâm phạm bí mật đời tư, bài viết
này tập trung phân tích nội dung của một vụ án cụ thể và quan điểm của
các bên liên quan liên quan đến vấn đề còn mới mẻ và nhạy cảm này.
Nội dung vụ án như
sau:
Ông Trần Tiến Đức, ngụ
tại phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh được Toà án nhân dân quận
Phú Nhuận xử cho ly hôn với vợ của ông là bà N.T.T vào ngày 15 tháng 12
năm 1994. Tháng 10 năm 1996, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ
xuất bản cuốn “Ký sự pháp đình”, tác giả là nhà báo Thuỷ Cúc, trong đó
có bài “Tổ ấm”. Đây là bài ký sự, có nội dung viết về phiên toà ly hôn
của ông Trần Tiến Đức, mặc dù họ tên của nguyên đơn đã được viết tắt là
T.T.Đ.
Sau khi cuốn sách được
phát hành, một người bạn của ông Đức đọc và nói lại nội dung cho ông Đức
biết. Giữa năm 2006, ông Trần Tiến Đức đã khởi kiện tại Toà án nhân dân
Quận 3, TP Hồ Chí Minh đối với các đồng bị đơn: Nhà xuất bản Trẻ, Báo
Tuổi Trẻ và nhà báo Thuỷ Cúc. Theo nội dung đơn khởi kiện, ông Đức cho
rằng mình đã bị xâm phạm bí mật đời tư khi bài “Tổ ấm” đề cập đến quá
khứ của bà N.T.T (vợ cũ của ông) và quyền truy nhận cha cho con của ông,
bên cạnh đó nhà báo Thuỷ Cúc còn nêu quan điểm cá nhân xúc phạm đời
sống riêng tư của ông Đức… Từ đó, ông Đức đưa ra yêu cầu trong nội dung
đơn khởi kiện: Cấm tái bản, cấm lưu hành “Tổ ấm”, đăng cải chính xin lỗi
trên báo, bồi thường tinh thần bằng tiền theo mức cụ thể như sau: tác
giả (nhà báo Thuỷ Cúc) bồi thường 3 triệu đồng, Nhà xuất bản Trẻ và Báo
Tuổi Trẻ mỗi đơn vị 3,5 triệu đồng.
Phản bác lại những yêu
cầu do phía nguyên đơn đưa ra, đại diện của nhà báo Thuỷ Cúc tại phiên
toà cho rằng: yêu cầu của nguyên đơn là vô lý, không thể chấp nhận được.
Bài viết “Tổ ấm” là ấn phẩm ký sự pháp đình, không bôi nhọ danh dự,
nhân phẩm cũng như bí mật riêng tư của ai – mà đó là nhiệm vụ của người
cầm bút với cái tâm trong sáng thể hiện những thông tin đã công khai tại
phiên toà chứ không phải là bí mật đời tư. Thông qua hiện thực khách
quan, bài báo đã gửi đến bạn đọc một thông điệp. Ngoài ra bài viết đã
được “gọt rũa” cẩn thận, đã viết tắt tên của những người liên quan.
Nhà xuất bản Trẻ không
đồng ý đăng cải chính trên báo bởi theo Nhà xuất bản trẻ, “bí mật” là
những gì không được công khai, mặt khác đây là bài viết dạng ký sự nên
tác giả có thể lồng thêm ý kiến cá nhân vào.
Đại diện Báo Tuổi Trẻ
cũng trình bày: Báo Tuổi Trẻ không đăng bài báo này trên Báo Tuổi Trẻ và
cũng không liên kết với Nhà xuất bản Trẻ phát hành ấn phẩm nêu trên nên
không liên quan đến việc xúc phạm ông Đức và yêu cầu được đưa ra khỏi
vụ kiện.
Về phía nguyên đơn,
trong phần tranh luận, ông Đức có đưa ra một số tranh luận đối với đại
diện Báo Tuổi Trẻ, nhà báo Thuỷ Cúc. Nội dung tranh luận tập trung vào
một số vấn đề:
Thứ nhất, ông
Đức cho rằng cuốn “Ký sự pháp đình” có bài viết “Tổ ấm” là ấn phẩm của
Báo Tuổi Trẻ vì trên trang bìa của cuốn sách có in logo của Báo Tuổi
Trẻ, trong cuốn sách cũng có ghi: “Nhà xuất bản Trẻ và Báo Tuổi Trẻ phối
hợp”. Do đó, đây chính là sự liên kết giữa hai đơn vị này nên cả hai
phải liên đới bồi thường.
Thứ hai, đối
với nhà báo Thuỷ Cúc, mặc dù tên nhân vật trong bài báo đã được viết
tắt, nhưng lại đề cập đến công việc và con người của ông, sự đề cập đó
không phải đề cao ông mà để mọi người nhận ra ông khi đọc bài viết đó.
Thậm chí, bài viết còn vẽ hình biếm hoạ ba đứa con của ông – đó là sự
xúc phạm. Ông Đức cũng cho rằng nếu bài viết trong ấn phẩm này tiếp tục
được phát hành sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các con ông về sau.
Sau khi xét hỏi, tranh
luận và nghị án, chiều ngày 20/9/2006, Hội đồng xét xử đã tuyên án. Theo
nội dung bản án, Hội đồng xét xử nhận định là có hành vi xâm phạm bí
mật đời tư của ông Trần Tiến Đức của ba đồng bị đơn là nhà báo Thuỷ Cúc,
Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Từ đó, Hội đồng xét xử đã quyết định:
chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông Trần Tiến Đức, buộc nhà báo
Thuỷ Cúc, Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ phải đăng lời cải chính trên
Báo Tuổi Trẻ 1 kỳ/1 bị đơn; buộc ba đồng bị đơn phải liên đới bồi thường
cho ông Đức 1,75 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần (Nhà báo Thuỷ
Cúc 1 triệu đồng, Nhà xuất bản Trẻ 500 nghìn đồng và Báo Tuổi Trẻ 250
nghìn đồng). Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Nhà xuất bản Trẻ
không được lưu hành, không được tái bản cuốn Ký sự pháp đình của nhà báo
Thuỷ Cúc có bài viết “Tổ ấm”.
Không đồng ý với phán
quyết của Toà án cấp sơ thẩm, các đồng bị đơn đã kháng cáo. Lý do kháng
cáo được các đồng bị đơn đưa ra: Bản án sơ thẩm được tuyên không có căn
cứ pháp luật; Hội đồng xét xử đã tự “sáng tác” luật, lạm quyền trong khi
xét xử bởi vì pháp luật chưa có định nghĩa thế nào là bí mật đời tư,
mặt khác những thông tin được công khai tại phiên tòa không thể xem là
“bí mật”. Ngoài ra, tác phẩm “Tổ ấm” của nhà báo Thuỷ Cúc không đề cập
cụ thể đến tên của ông Trần Tiến Đức…
Với những nhận định
tương tự như Toà án cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên
buộc Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ và nhà báo Thủy Cúc phải đăng lời cải chính,
xin lỗi ông Đức trên trang 4 Báo Tuổi Trẻ 1 kỳ. Đồng thời, Báo Tuổi Trẻ
phải bồi thường cho ông Đức 250.000 đồng; NXB Trẻ bồi thường 500.000
đồng và nhà báo Thủy Cúc bồi thường 1 triệu đồng. Tuyên cấm lưu hành
cuốn ký sự pháp đình có tác phẩm Tổ ấm khi tái bản.
Có thể nói, phán quyết
của Hội đồng xét xử Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đối với
vụ kiện này là bước đột phá trong khi khái niệm “bí mật đời tư” chưa
được pháp luật qui định. Trước, trong và sau khi vụ án được giải quyết,
có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này. Có quan điểm
đồng tình với nhận định của Hội đồng xét xử khi cho rằng các đồng bị đơn
đã xâm phạm bí mật đời tư của ông Trần Tiến Đức nhưng cũng có nhiều
quan điểm không đồng tình, cho rằng Hội đồng xét xử đã xem xét sự việc
một cách phiến diện, tự ý giải thích luật.
Theo Luật sư Bùi Quang
Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) thì: “Việc Hội đồng
xét xử TAND Quận 3 tạm đưa ra định nghĩa về khái niệm pháp luật “bí mật
đời tư trong vụ án ly hôn” rồi dùng nó làm căn cứ để tuyên án cụ thể là
việc làm không đúng. HĐXX chỉ được căn cứ vào các qui định pháp luật đã
được ban hành để xét xử, không được “chế” ra các qui định mà cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành…” và “…Về vấn đề bí mật đời tư
trong phiên tòa xử ly hôn, luật không qui định cụ thể. Hơn nữa, những
thông tin đã được xét xử công khai tại phiên tòa thì không thể coi là bí
mật nữa bởi đã công khai rồi thì còn bảo là bí mật nỗi gì!”1.
Theo luật sư Nguyễn Văn
Hậu – trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tuyên truyền
Thành hội Luật gia TP Hồ Chí Minh (ông Hậu là Người bảo vệ quyền lợi cho
Báo Tuổi Trẻ trong vụ án này) cũng cho rằng: “Cá nhân có quyền về bí
mật về đời tư nhưng thế nào là bí mật đời tư, bí mật đời tư trong phạm
vi và mức độ đến đâu thì hiện nay pháp luật chưa quy định. Một cá nhân
không thể lấy lý do tôi muốn bảo vệ bí mật đời tư để khước từ không cho
phép bất cứ ai được tiết lộ những thông tin về cá nhân của mình là không
đúng. Anh có quyền có đời tư nhưng những hành vi của cá nhân anh không
được quyền xâm phạm đến lợi ích của người khác, của cộng đồng.”2. Luật
sư Hậu cũng cho rằng nhà văn, nhà báo phải thực hiện chức năng định
hướng cộng đồng đến những giá trị chân, thiện, mỹ và “Nếu cản trở các
hoạt động của nhà văn, nhà báo thì vô hình trung những hành vi trái đạo
lý, trái với thuần phong mỹ tục sẽ được nuôi dưỡng và phát triển.”3. Từ
đó, luật sư Hậu cũng cho rằng phiên toà ly hôn là công khai nên những
thông tin, diễn biến của phiên toà không còn là bí mật đời tư.
Theo chúng tôi, việc
Hội đồng xét xử nhận định và ra phán quyết khẳng định các đồng bị đơn,
tiêu biểu là nhà báo Thuỷ Cúc đã có hành vi xâm phạm bí mật đời tư của
ông Trần Tiến Đức là hoàn toàn có cơ sở bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, mặc
dù Điều 38 Bộ luật Dân sự không đưa ra khái niệm bí mật đời tư nhưng
theo lẽ thông thường chúng ta có thể hiểu bí mật đời tư là những thông
tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người
khác biết. Báo chí có quyền đưa tin, nhưng với những thông tin về bí mật
đời tư của cá nhân thì việc đưa tin phải được sự đồng ý của cá nhân đó.
Cần phân biệt sự công khai thông tin tại Toà án giữa một vụ án dân sự,
hôn nhân gia đình với một vụ án hình sự. Trong vụ án hình sự, những
thông tin đó liên quan đến người phạm tội, họ đã thực hiện hành vi nguy
hiểm cho xã hội và chịu hình phạt do Nhà nước qui định nên những thông
tin này có thể được công khai để nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa
chung. Đối với những thông tin trong vụ án ly hôn, đó là thông tin liên
quan đến bản thân đương sự, không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Nhà nước,
lợi ích công cộng hay lợi ích của người khác nên các đương sự có quyền
không công khai những thông tin này. Chúng ta cần phải hiểu là công khai
thông tin tại Toà án không đồng nghĩa với việc mất tính bảo mật của
thông tin đó. Việc công khai thông tin tại Toà án khi các đương sự ly
hôn là căn cứ để Toà án xem xét, quyết định cho ly hôn, cấp dưỡng, nuôi
con, nhưng thông tin đó nếu được công khai ra dư luận có thể sẽ tạo sự
bất lợi trong cuộc sống, sinh hoạt của người trong cuộc. Ví dụ: anh A
xin ly hôn với vợ là chị B, tại phiên toà, anh thừa nhận rằng quan hệ
sinh lý giữa hai vợ chồng không hoà hợp (anh bị mắc bệnh…) nên Toà án đã
đồng ý cho ly hôn. Sau đó, những lời trình bày của anh A tại phiên toà
được công khai, dư luận đàm tiếu…- trường hợp này chúng ta cũng cần xác
định rằng mặc dù thông tin đó được công khai tại phiên toà nhưng vẫn
được coi là bí mật đời tư. Trở lại vụ án này, chúng tôi hoàn toàn đồng
tình với nhận định của Hội đồng xét xử khi cho rằng: Việc tòa án đưa ra
xét xử công khai một vụ án là thẩm quyền của tòa đã được pháp luật quy
định. Tuy nhiên, tiến trình tố tụng này không đồng nghĩa với việc công
bố bí mật đời tư của những người liên quan. Do vậy, việc công khai
chuyện riêng tư của họ trên các phương tiện truyền thông khi chưa được
sự chấp thuận của họ là vi phạm pháp luật…
Thứ hai, mặc
dù tên của nhân vật đã được viết tắt, tuy nhiên theo nội dung câu chuyện
thì những người hàng xóm cũng như những người thân khác của ông Đức
cũng dễ dàng nhận ra ngay nội dung câu chuyện, con người…đó chính là ông
Đức chứ không phải là người khác. Giả sử câu chuyện được hư cấu, thêm
bớt, thay đổi tên địa danh và tên viết tắt của nhân vật được thay
đổi…thì sẽ không bị coi là xâm phạm bí mật đời tư.
Nếu như theo sự trình
bày của nguyên đơn thì bài viết “Tổ ấm” trong cuốn “Ký sự pháp đình”
ngoài việc xâm phạm bí mật đời tư của ông Đức còn có sự vi phạm khác, đó
là sự xúc phạm ông khi vẽ hình biếm hoạ ba đứa con của ông. Như vậy,
việc Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm nhận định và đưa ra phán quyết
theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lý, đúng pháp luật. Mặt khác, Điều 13 Bộ
luật Tố tụng Dân sự năm 2005 có qui định trách nhiệm của cơ quan, người
tiến hành tố tụng, theo đó:
“…3. Cơ quan, người
tiến hành tố tụng dân sự phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo
quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí
mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của các đương sự theo
yêu cầu chính đáng của họ.”
Luật Báo chí, Nghị định
số 51/2002/NĐ – CP ngày 26/4/2002 của Chính Phủ hướng dẫn chi tiết thi
hành Luật Báo chí, khi qui định về “Những điều không được thông tin trên
báo chí” có qui định: “…4. Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu
đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự
đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp
tài liệu, bức thư đó….”
Trên đây là quan điểm
của chúng tôi xung quanh việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bí mật
đời tư theo qui định của pháp luật. Thiết nghĩ, để có cơ sở pháp lý cho
việc giải quyết tranh chấp của Toà án liên quan đến bí mật đời tư,
trước mắt Toà án nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn
đề này để việc giải quyết của Toà án đối với các vụ việc tương tự được
thống nhất, khách quan./.